- 11/18/2020
- Posted by: doclaptaichinh.net
- ĐẦU TƯ THÔNG MINH
Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư mới, giúp bạn đa dạng hóa danh mục tài sản của mình. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhận diện rủi ro trước khi tham gia đầu tư vào kênh này.
Từ giữa năm 2020, lãi suất tiết kiệm ngân hàng giảm mạnh, chỉ từ 4-5%/năm. Việc chúng ta tìm đến những kênh đầu tư khác để gia tăng lợi nhuận trên số tiền nhàn rỗi là lẽ đương nhiên.
Trong tình cảnh trên, ngân hàng đem đến một kênh đầu tư cứu cánh cho bạn, đó là trái phiếu doanh nghiệp. Thay vì doanh nghiệp bán trái phiếu trực tiếp đến tay người dân thì ngân hàng lại là đơn vị trung gian phân phối, điều này chiếm lấy sự tin tưởng của khách hàng với lý do: trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh phát hành.
Tuy nhiên, sự thật có phải như vậy?
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Nói một cách dễ hiểu, trái phiếu là một tờ giấy ghi nợ với nội dung: bạn cho doanh nghiệp vay tiền trong thời gian dài (thông thường từ 1 đến 3 năm) để làm ăn. Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu được gọi là trái chủ.
Điểm hay nằm ở lãi suất cam kết từ 8-13% trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, thậm chí có doanh nghiệp lên đến 15%, hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng, và bạn nhận lãi cố định (“fix income securities”) giống như gửi tiết kiệm.
Trước đây, trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư nằm ngoài tầm với của cá nhân vì doanh nghiệp chỉ bán trái phiếu theo lô (số lượng lớn) cho các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây loại hình tài sản này bùng nổ và dễ dàng tiếp cận đến cá nhân thông qua ngân hàng phát hành. Đến tháng 06/2020, theo dữ liệu công bố của sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng lượng đã phát hành đạt khoảng 159 nghìn tỷ đồng. |
So sánh giữa trái phiếu và cổ phiếu
Trái phiếu doanh nghiệp là một kiểu “chứng khoán tài chính có lãi suất cố định” (fixed interest financial securities). Tiền lãi cố định của trái phiếu doanh nghiệp được thể hiện trong giao kèo trách nhiệm (trust indenture) tại thời điểm phát hành và được thanh toán vào các ngày cụ thể cho đến khi trái phiếu đáo hạn. Chẳng hạn bạn nắm một trái phiếu có mệnh giá 100 nghìn đồng với lãi suất cố định 10% sẽ nhận được mỗi năm 10 nghìn đồng.
Lợi ích của việc sở hữu trái phiếu là các nhà đầu tư biết chắc chắn họ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền lãi trong suốt thời hạn của trái phiếu. Miễn là tổ chức phát hành trái phiếu không vỡ nợ, nhà đầu tư có thể dự đoán chính xác lợi tức đầu tư của mình sẽ là bao nhiêu. Vì lãi suất của trái phiếu là cố định, các quỹ đầu tư cân bằng ETFs thường cân đối 50% tài sản là trái phiếu và phần còn lại là cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro khi thị trường chứng khoán biến động.
Mức độ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu thấp hơn cổ phiếu – một kiểu chứng khoán có lãi suất biến động mạnh theo chu kỳ. Dù bạn là nhà đầu tư cá nhân thì cũng nên sở hữu trái phiếu trong danh mục đầu tư của mình, bên cạnh các sản phẩm chứng khoán khác. Nhưng rủi ro thấp không có nghĩa là không có rủi ro…
Nhận diện rủi ro đến từ trái phiếu doanh nghiệp
Nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào lãi suất hấp dẫn, hãy nhìn rộng nhiều yếu tố khác để đánh giá mức độ rủi ro.
Chưa có thước đo tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp
Hầu hết lượng phát hành trái phiếu luôn có bóng dáng ngân hàng phía sau: vừa phát hành, vừa kiêm luôn đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp, vừa đứng giữa ăn “hoa hồng”. Thiếu vắng đơn vị kiểm toán độc lập sẽ khiến cho kết quả đánh giá doanh nghiệp mang nặng tính thiên vị.
Để lựa chọn trái phiếu tốt, bạn nên mua trái phiếu của những công ty đại chúng đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty đại chúng hàng năm đều công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập. Bạn có thể dựa vào báo cáo tài chính để đánh giá “sức khỏe” của doanh nghiệp, liệu họ có thể trả nợ đều đặn cho bạn hay không.
Hạn chế mua trái phiếu từ những công ty chưa niêm yết vì rất khó tiếp cận báo cáo tài chính. Trừ khi bạn có mối quan hệ với nội bộ công ty và tin tưởng vào ban lãnh đạo, nếu không thì hãy thận trọng.
Điều kiện bảo lãnh “mù mờ”
Cần phải hiểu rõ, ngân hàng bảo lãnh phát hành với hàm ý ngân hàng cố gắng phát hành tối đa hết trái phiếu.
Ví dụ, ngân hàng Techcombank bảo lãnh phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho tập đoàn Masan. Trường hợp Techcombank chỉ bán được 800 tỷ trái phiếu ra công chúng, 200 tỷ còn lại Techcombank sẽ mua vào và trở thành chủ nợ của Masan.
Ngân hàng không bảo lãnh thanh toán cho nhà đầu tư. Tức là khi doanh nghiệp gặp khó khăn chi trả lãi trái phiếu hoặc thậm chí là phá sản, không còn khả năng chi trả thì ngân hàng cũng không chịu trách nhiệm trả nợ thay cho doanh nghiệp.
Nhưng có một điều lạ là tư vấn viên ngân hàng luôn lập lờ hai chữ “bảo lãnh”, khiến người mua lầm tưởng rằng ngân hàng có trách nhiệm thanh toán cho khoản nợ. Có lẽ khoản hoa hồng tư vấn viên nhận được đủ lớn khiến họ thiếu minh bạch?
Tài sản đảm bảo “có cũng như không”
Nhiều trái phiếu có lãi suất cao hơn 11%, không có tài sản đảm bảo như của Công ty CP Kinh doanh F88 (sở hữu chuỗi cầm đồ F88), Công ty CP Đầu tư Con Cưng vẫn được phát hành trên thị trường, tôi cho rằng đây là khoản rủi ro cao đối với những người sở hữu trái phiếu.
Kể cả khi có tài sản đảm bảo như một số doanh nghiệp bất động sản thường dùng luôn tài sản hình thành từ trái phiếu huy động như đất đai và công trình, cộng với các tài sản khác như cổ phiếu để làm tài sản bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm có khi lên tới 200% so với doanh số phát hành.
Nghe có vẻ yên tâm đấy, nhưng giả định thị trường bất động sản đổ vỡ hay đình trệ, cổ phiếu đóng băng thì lấy nguồn nào để trả cho nhà đầu tư. Với khung pháp lý giải chấp như hiện nay, nhà đầu tư cá nhân trót mua các “mảnh giấy xé lẻ” rất khó khăn để đòi được nợ, chẳng lẽ một căn nhà lại bị xé nhỏ ra để trả nợ cho nhiều người (?)
Liệu doanh nghiệp có thế chấp tài sản bảo lãnh cho trái phiếu vào ngân hàng để có vốn làm ăn (?) Khó có thể biết được nếu như bạn không đọc thuyết minh báo cáo tài chính. Khi doanh nghiệp phá sản, căn cứ theo Luật phá sản thì ngân hàng sẽ có lợi thế hơn trong việc xử lý tài sản bảo lãnh chứ không phải những nhà đầu tư cá nhân.
Vì vậy, tài sản đảm bảo chỉ tạo cảm giác yên tâm hơn cho người mua và không quyết định hoàn toàn chất lượng trái phiếu. Bạn cần tập trung vào các yếu tố như uy tín công ty, báo cáo tài chính, khả năng tăng trưởng và chấp nhận với mức lãi suất an toàn, dừng lại ở 10%/năm.
Tính thanh khoản thấp
Hiện nay, thị trường thứ cấp trái phiếu chưa có khung pháp lý rõ ràng. Các giao dịch mua bán tài sản này giữa các cá nhân chưa được phổ biến như giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Hầu hết các giao dịch chỉ xoay quanh giữa doanh nghiệp, ngân hàng, công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư với những lô trái phiếu giá trị cao.
Nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp rất khó thực hiện giao dịch bán lại.
Nhà đầu tư cần làm gì để giảm thiểu rủi ro?
Doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu nhằm có đủ tiền để thực hiện dự án. Đối với mỗi đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố bản cáo bạch nêu mục đích huy động vốn nhằm thực hiện một dự án cụ thể, và thường chỉ có công ty đại chúng mới công bố cáo bạch.
Nhà đầu tư cần thẩm định mức độ khả thi của dự án, tính pháp lý và năng lực triển khai dự án của doanh nghiệp.
Ví dụ về bản cáo bạch niêm yết trái phiếu của tập đoàn Vingroup tại đây
Khả năng tăng trưởng ngành và kinh tế vĩ mô cũng là những yếu tố cần phải quan tâm.
Ví dụ: Cuối năm 2020, công ty ABC huy động 500 tỷ thông qua trái phiếu để triển khai dự án xây dựng tổ hợp bất động sản du lịch tại Đà Nẵng với lãi suất 12%. Trong khi đó, ngành du lịch đang gặp khó khăn vì Covid-19, người dân thắt chặt chi tiêu, ngân hàng ngại “bơm” tiền vào bất động sản, nguồn cung bất động sản du lịch tại Đà Nẵng đã quá nhiều. Liệu bạn có mua trái phiếu của công ty ABC hay không?
Chưa kể một số công ty huy động tiền bằng trái phiếu để thanh toán cho các khoản nợ còn tồn đọng trước đó. Lấy nợ sau trả nợ trước sẽ đẩy công ty đến nguy cơ phá sản. Sẽ rất an toàn nếu bạn có khả năng lấy được thông tin tài chính từ nội bộ để tránh mua trái phiếu của những công ty như vậy.
Một tín hiệu tốt giúp giảm thiểu rủi ro: chính phủ đang dần hoàn thiện khung pháp lý để hạn chế những khoản vay “dưới chuẩn” núp bóng trái phiếu.
Rủi ro nhiều là vậy, nhưng nếu biết lựa chọn trái phiếu từ những doanh nghiệp uy tín, bạn sẽ có một mức sinh lời ổn định cùng rủi ro trong khả năng kiểm soát. Tôi cho rằng danh mục đầu tư của các bạn nên dành khoảng 5-10% cho kênh đầu tư này.
[su_note note_color=”#FFFF66″ text_color=”#333333″ radius=”10″ class=”” id=””]Đọc thêm: Những kênh đầu tư tài chính an toàn bạn nên tham gia[/su_note]
Cập nhật thông tin mới nhất về trái phiếu (2021)
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2021 trong đó có quy định về điều kiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. |
(1) Đối tượng tham gia đợt chào bán trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của Luật chứng khoán 2019 gồm nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức. Nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp là người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục đầu tư ít nhất 2 tỷ đồng hoặc cá nhân có thu nhập chịu thuế ít nhất 1 tỷ đồng.
(2) Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, lịch sử trả nợ gốc và lãi của trái phiếu, thể hiện trong báo cáo tài chính năm trước đó được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện, có phương án phát hành trái phiếu được chấp thuận theo quy định. Các doanh nghiệp yếu kém về tài chính và có rủi ro vỡ nợ trái phiếu cao sẽ không có quyền phát hành trái phiếu để huy động vốn.
(3) Chính phủ và Sở giao dịch chứng khoán sẽ hoàn thiện thị trường trái phiếu thứ cấp, tức là nhà phát hành (công ty cổ phần đã niêm yết) sẽ phải niêm yết trái phiếu trên sàn chứng khoán. Điều này giúp nâng cao thanh khoản của trái phiếu, giao dịch trái phiếu sẽ dựa trên cung cầu và biến động của thị trường.
Yếu tố (2) và (3) sẽ giúp thị trường huy động vốn trở nên minh bạch, tăng thanh khoản và giảm thiểu rủi ro tối đa cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, yếu tố (1) đã giới hạn lượng lớn nhà đầu tư cá nhân (chiếm đến hơn 80% khối lượng giao dịch trên TTCK) tham gia vào thị trường trái phiếu. Theo quan điểm của tôi, đây là một điểm trừ khiến giao dịch trái phiếu không thể trở nên nhộn nhịp như cổ phiếu, dù rủi ro đến từ trái phiếu lại thấp hơn nhiều (!)
Admin có thể cập nhật thêm thông tin về trái phiếu trong năm 2021 được không?
Cảm ơn vì bài viết chất lượng!
Hi bạn!
Rất cảm ơn tình cảm của bạn dành cho bài post của doclaptaichinh.vn
BBT chúng tôi sẽ sớm cập nhật thông tin mới nhất. Thân!