Tiền trên báo cáo tài chính – Tại sao tiền còn quan trọng hơn lợi nhuận?

Không một ai trong chúng ta phủ nhận tầm quan trọng của tiền. Ấy vậy mà các nhà đầu tư cá nhân lại dễ dàng bỏ qua tiền trên báo cáo tài chính và dành nhiều quan tâm hơn cho lợi nhuận. Bài viết này sẽ giúp bạn:

  • Nhận biết tiền trong báo cáo tài chính
  • Sự quan trọng của tiền đối với doanh nghiệp
  • Nhận biết dấu hiệu của việc thiếu hụt tiền trong kinh doanh

Bắt đầu nào!

Tiền nằm ở đâu trên báo cáo tài chính?

Tiền được thể hiện thông qua những hạng mục trên bảng cân đối kế toán.

  • Tiền và (tài sản) tương đương tiền: gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, tiền đang chuyển và các khoản đầu tư không quá 3 tháng (dễ chuyển đổi thành tiền và gần như không có rủi ro giảm giá trị).
  • Đầu tư tài chính ngắn hạn: gồm chứng khoán và chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng.
  • Đầu tư tài chính dài hạn: gồm chứng khoán và chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng.

Trên thực tế, vì nhu cầu lưu chuyển tiền trong kinh doanh nên rất ít doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn. Khi xét đến tiền, thông thường chúng ta chỉ xét đến tiền và tương đương tiền + đầu tư tài chính ngắn hạn mà thôi.

[su_box title=”GỢI Ý” style=”default”  box_color=”#535A77″ title_color=”#FFFFFF” radius=”10″ class=”” id=””]

Nếu bạn hỏi mình học kiến thức đầu tư chứng khoán miễn phí ở đâu là oke nhất thì bấm vào link dưới đây nhé. Hơn 50000 người đang học chứ không chỉ riêng mình ?

[su_button url=”https://doclaptaichinh.vn/hoc-dau-tu-chung-khoan/” target=”blank” style=”flat” background=”#535A77″ color=”#FFFFFF” size=”12″ wide=”no” center=”no” radius=”auto” icon=”” icon_color=”#FFFFFF” text_shadow=”none” desc=”” download=”” onclick=”” rel=”” title=”” id=”” class=””]HỌC NGAY[/su_button]

[/su_box]

Ý nghĩa của tiền trong hoạt động kinh doanh

“Cash is king”, tiền chính là dòng máu của doanh nghiệp!

Nếu không đủ tiền để chi trả cho các chi phí hoạt động (OPEX) và trả nợ khi đến hạn, doanh nghiệp sẽ lâm vào khủng hoảng. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành du lịch và hàng không, điển hình là CTCP Hàng không Vietjet (VJC) cạn kiệt tiền vì doanh thu bằng 0.

tien-tren-bao-cao-tai-chinh-anh01

Hoạt động vận tải hàng không bị ngưng trệ do chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ khiến VJC không có doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi công ty kiểm toán đã nhấn mạnh tình trạng thiếu tiền và tương đương tiền để duy trì hoạt động trong báo cáo tài chính Quý II năm 2020 của VJC.

Lợi nhuận và tài sản của VJC không đủ để duy trì hoạt động hay sao?

Trước tiên, chúng ta cần phân biệt giữa lợi nhuận và tiền.

Theo nguyên tắc kế toán, khi doanh nghiệp bàn giao sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng phải lập tức ghi nhận toàn bộ doanh thu và lợi nhuận tương ứng vào sổ sách dù khách hàng mới chỉ thanh toán một phần giá trị sản phẩm/dịch vụ.

Số tiền khách hàng chưa thanh toán được ghi nhận là khoản phải thu trên Bảng cân đối kế toán. Khoản phải thu sẽ trở thành tiền khi khách hàng thanh toán nốt số tiền còn thiếu.

Như vậy lợi nhuận được ghi nhận trước khi có tiền, hoặc có thể nói cách khác: có lợi nhuận chưa chắc đã có tiền.

Việc ghi nhận lợi nhuận để có một báo cáo kinh doanh đẹp là tương đối dễ dàng với các thủ thuật kế toán. Tuy nhiên khi phân tích cơ cấu tài sản, bạn sẽ nhìn thấy một bức tranh rõ ràng hơn về khả năng tạo tiền của doanh nghiệp.

tien-tren-bao-cao-tai-chinh-anh02

Chỉ trong 6 tháng, tiền và tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn của VJC sụt giảm gần 3.700 tỷ, đồng thời các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tăng lên 3.600 tỷ.

tien-tren-bao-cao-tai-chinh-anh03

Chất lượng khoản phải thu đặc biệt quan trọng. Nếu doanh nghiệp có khoản phải thu chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản, bạn cần trả lời những nghi vấn sau:

  • Khoản phải thu có thể chuyển hóa thành tiền được không?
  • Khoản phải thu có liên quan đến công ty sân sau của ban lãnh đạo không?

Khoản phải thu của VJC liên quan đến “đặt cọc mua tàu bay và đóng góp vào quỹ bảo dưỡng tàu bay thuê” bản chất là các khoản đã chi tiền, được ghi nhận trong phải thu ngắn hạn và dài hạn lên đến 16.800 tỷ, chiếm đến 36% tổng tài sản. Đây là các khoản không thể chuyển hóa thành tiền. Ngoài ra, khoản phải thu các bên liên quan – bản chất là các công ty sân sau của chủ tịch VJC chiếm con số không nhỏ.

Doanh nghiệp tạo ra tiền bằng cách nào?

(1) Tiền được tạo ra từ hoạt động kinh doanh: đây là nguồn tạo tiền bền vững. Trường hợp thiếu tiền, doanh nghiệp phải tối ưu hàng tồn kho, các khoản phải thu để chuyển hóa thành tiền nhanh chóng hoặc kinh doanh dưới giá vốn. Nếu cạn tiền, doanh nghiệp cần sử dụng đến các biện pháp cuối cùng như thanh lý tài sản hoặc bán dự án.

(2) Tiền được tạo ra từ hoạt động tài chính/huy động vốn: thế mạnh của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là dễ dàng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu.

Các doanh nghiệp bất động sản thường lâm vào tình trạng thiếu tiền, ví dụ điển hình là CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH). Tiền được sử dụng để thâu tóm quỹ đất và triển khai dự án, bạn có thể thấy điều này thông qua tỷ trọng hàng tồn kho trên tổng tài sản cao.

tien-tren-bao-cao-tai-chinh-anh04

Các dự án bất động sản thường có thời gian triển khai 5-7 năm, thậm chí dài hơn khiến thời gian chuyển hóa thành tiền của hàng tồn kho rất dài. Để tiếp tục có tiền triển khai dự án dở dang, doanh nghiệp bất động sản thường tìm đến hoạt động huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc thoái vốn tại các dự án.

Mối quan hệ giữa biên lợi nhuận và tiền

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện tiền ra vào của doanh nghiệp – còn gọi là dòng tiền. Khi gặp khó khăn về dòng tiền, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án kinh doanh dưới giá vốn (giá bán sản phẩm thấp hơn giá vốn) để có tiền khiến biên lợi nhuận giảm. Do vậy, biên lợi nhuận giảm có thể đến từ việc thiếu hụt tiền.

Năm 2007-2009, hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 khiến giá dầu đạt đỉnh $140/thùng kéo theo giá mủ cao su hưởng lợi, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) – từ một doanh nghiệp bất động sản lớn nhất sàn chứng khoán đã đầu tư trồng cây cao su. Tuy nhiên, cây cao su có vòng đời nuôi trồng từ 5-7 năm mới có thể khai thác mủ, trong khi HAG phải đi vay tiền rất lớn để mua 85.000 ha đất nông nghiệp ở Gia Lai, Đắk Lắk, Lào và Campuchia với lãi suất vay cực nóng 25-30% trong năm 2010-2011. Áp lực trả nợ lãi vay hàng năm rất lớn, nhưng dòng tiền từ thu hoạch mủ cao su chưa có.

Đến khi cao su đủ tuổi khai thác thì giá mủ cao su xuất lại sụt giảm mạnh khiến HAG cứ khai thác là lỗ. Tuy nhiên, việc thiếu hụt dòng tiền khiến HAG phải chấp nhận tiếp tục khai thác, kéo theo biên lợi nhuận gộp (gross margin) lao dốc theo giá mủ cao su.

Thiếu hụt dòng tiền khiến HAG chịu áp lực trả nợ rất lớn nhưng HAG không có chiến lược giảm tỷ lệ đòn bẩy. Mãi cho đến năm 2016, HAG mới bắt đầu tối lại cấu trúc vốn nhưng đã quá trễ khi khoản nợ đầu tư vào cây cao su và cọ dầu của HAG đã lên đến gần 13.000 tỷ đồng.

Tiền trên báo cáo tài chính phản ánh hiệu quả kinh doanh

Liệu tiền giảm có phải là dấu hiệu xấu? Chúng ta cùng nhìn vào cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

tien-tren-bao-cao-tai-chinh-anh05

HPG có lượng tiền sụt giảm từ 14.000 tỷ (2017) xuống 6.240 tỷ (2018) và chỉ còn 5.920 tỷ (2019). Vậy tiền của HPG đã đi đâu? Câu trả lời rất đơn giản, tiền đã được HPG sử dụng để xây nhà xưởng, mua máy móc cho dự án sản xuất thép Dung Quất từ năm 2018, bạn có thể thấy tài sản cố định và bất động sản đầu tư của HPG tăng tương ứng.

Năm 2020, HPG đã ghi nhận lợi nhuận vô cùng ấn tượng và sở hữu lượng tiền khổng lồ hơn 21.800 tỷ đồng nhờ sự thành công của dự án Dung Quất giai đoạn 1. Như vậy, để đáp ứng chiến lược mở rộng quy mô và đầu tư tài sản cố định, HPG đã chấp nhận sụt giảm tiền trong ngắn hạn để đem lại lợi nhuận cao trong dài hạn.

Tổng kết lại

Như nhà đầu tư Charlies Munger từng nói: “Chúng tôi thích những doanh nghiệp có thể viết cho chúng tôi một tờ séc vào cuối mỗi năm”. Do đó bạn hãy đặt niềm tin vào cổ phiếu có khả năng tạo ra tiền mặt tương xứng với lợi nhuận trên báo cáo tài chính nhé!

Loading



4 Bình luận

  • Đỗ Quảng

    “Khoản phải thu của VJC liên quan đến “đặt cọc mua tàu bay và đóng góp vào quỹ bảo dưỡng tàu bay thuê” bản chất là các khoản đã chi tiền, được ghi nhận trong phải thu ngắn hạn và dài hạn lên đến 16.800 tỷ, chiếm đến 36% tổng tài sản”

    Phần này mình không hiểu cộng số liệu nào ra được 16.800 tỷ nhỉ. Mong được giải đáp

    • Chào bạn!

      Bạn đọc “Thuyết minh báo cáo tài chính”, tìm đến mục thuyết minh phải thu ngắn hạn và phải thu dài hạn, trong thuyết minh phải thu ngắn hạn và phải thu dài hạn đều có phần “đặt cọc mua tàu bay và đóng góp vào quỹ bảo dưỡng tàu bay thuê”, bạn sẽ tính ra con số 16.800 tỷ đồng.

  • Thanh

    cho mình hỏi tại sao tiền lại được trình bày đầu tiên trên báo cáo tình hình tài chính v ạ

    • Hi bạn! Theo nguyên tắc trình bày trên Bảng cân đối kế toán (một phần của báo cáo tài chính), hạng mục nào có tính thanh khoản (khả năng chuyển hóa thành tiền) cao nhất sẽ được trình bày đầu tiên, dưới tiền là những mục có thanh khoản giảm dần.

Trả lời