- 01/08/2021
- Posted by: doclaptaichinh.net
- TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Thói quen tài chính – một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu của những người thành công về tài chính. Hãy cùng doclaptaichinh.vn khám phá 8 thói quen tài chính của người thành công qua bài viết này.
Thói quen tài chính là gì?
Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện gồm nếp sống, phương pháp làm việc được lặp đi lại nhiều lần trong cuộc sống. Thói quen không sẵn có mà là kết quả của sinh hoạt, học tập, rèn luyện của mỗi cá nhân hàng ngày.
Thói quen tài chính, đơn giản là những việc làm thường xuyên nhằm tăng hiệu quả quản lý tài chính của cá nhân.
Bạn có thể tìm kiếm trên google rất nhiều bài viết về thói quen tài chính, tuy nhiên nội dung (đối với tôi) là chưa đủ và thiếu hệ thống.
Là một người chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp, tôi có thói quen tiếp cận vấn đề theo tính hệ thống.
Hệ thống tôi nhắc đến ở đây, tức là thói quen tài chính phải gắn liền với 3 yếu tố còn lại của mô hình năng lực tài chính KASH: kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Nếu bạn chưa tìm hiểu về mô hình năng lực tài chính, click vào đây.
Và việc hình thành thói quen tài chính phải nhằm nâng cao hiệu quả các nguyên tắc (hoạt động) tài chính cá nhân: kiếm tiền, tiết kiệm và chi tiêu, bảo vệ tiền và đầu tư.
Tiếp cận theo tính hệ thống trông có vẻ phức tạp, nhưng tôi cho rằng đây là cách tiếp cận hiệu quả nhất, giúp bạn đọc hiểu cặn kẽ về tài chính cá nhân.
Vậy đối tượng nào nên rèn luyện thói quen tài chính?
Tất cả mọi người! Dù bạn 18 tuổi hay 40 tuổi, dù bạn là chuyên gia tài chính hoặc không, dù bạn không có đồng nào trong ví hoặc bạn đã tích góp được một số tiền lớn thì bạn vẫn nên tạo thói quen tài chính.
Và nên nhớ, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một thói quen tài chính.
Tham khảo: Tài chính cá nhân và những nguyên tắc bạn cần nắm vững
Những thói quen tài chính của người thành công
#1 Trang bị kiến thức cho bản thân
Bạn hãy trang bị những kiến thức giúp bạn thực hiện tốt các nguyên tắc tài chính, đặc biệt tập trung vào 2 nguyên tắc: kiếm tiền và đầu tư.
Nếu công việc đem lại thu nhập chính cho bạn liên quan đến lĩnh vực tài chính, thật sự rất tuyệt khi bạn chỉ cần quan tâm chính đến kiến thức tài chính.
Tuy nhiên, đa số mọi người kiếm tiền nhờ công việc khác. Vì vậy, hãy trang bị kiến thức chuyên môn để phục vụ công việc – giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn và kiến thức tài chính – giúp bạn đầu tư hiệu quả hơn.
Tùy vào thời điểm, bạn có thể cân đối giữa lượng kiến thức chuyên môn và tài chính. Ví dụ, bạn đang tập trung kiếm tiền để tích lũy, có thể dành 70% cho kiến thức chuyên môn, 30% còn lại dành cho kiến thức tài chính. Đến giai đoạn đủ tiền để đầu tư, tỷ lệ trên có thể hoán đổi cho nhau.
Vậy học kiến thức từ đâu?
Kiến thức không chỉ đến từ những khóa học, nó đến khi bạn đọc sách báo, xem tin tức và tiếp thu thông tin có chắt lọc.
Kể cả khi bạn đang đọc bài viết này, bạn cũng đang trang bị kiến thức tài chính cho bản thân.
Click vào đây để nhận miễn phí file PDF lộ trình kiến thức tài chính cá nhân.
#2 Ứng dụng kiến thức tài chính vào đời sống
Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy
– Chủ tịch Hồ Chí Minh –
Đã bao giờ bạn xem tin tức tài chính trên tivi và nghĩ về ví tiền của mình chưa? Một số người thường đưa ra những lý do như sau:
- “Toàn tin tức về kinh tế vĩ mô, ngành, lĩnh vực đâu có ảnh hưởng gì đến tôi”.
- “Mấy cái chính sách về kinh tế này chỉ những ai làm chủ doanh nghiệp hoặc nghiên cứu kinh tế mới cần quan tâm mà thôi”.
Nếu nói như vậy, một là họ đang không kinh doanh, đầu tư hoặc hai là họ đang kinh doanh, đầu tư nhưng thiếu nhận thức về ảnh hưởng của kinh tế tài chính đối với cá nhân.
Ví dụ, việc kinh tế suy thoái có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đầu tư của bạn. Nhận thức chủ động về điều này sẽ giúp bạn nắm bắt xu hướng chuyển dịch dòng tiền vào các tài sản khác nhau, bạn sẽ có thêm thời gian để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt và tránh các tổn thất sụt giảm giá trị tài sản.
Một người quản lý tài chính giỏi sau khi thu nhận kiến thức thì phải biết phân tích, đánh giá tác động thông tin đó đến quỹ tiền của bản thân, từ đó đưa ra các quyết định nhằm bảo toàn và thậm chí khiến quỹ tiền sinh lời.
Để ứng dụng thuần thục kiến thức tài chính vào các hoạt động tài chính không phải là việc làm một sớm một chiều. Điều này cần một quá trình dài, sẽ có thành công và có cả những bài học được rút ra từ những sai lầm để giúp bạn đạt đến mục tiêu tài chính.
#3 Lập kế hoạch và liên tục kiểm soát chi tiêu
Trước khi nói về vấn đề chi tiêu, tôi muốn hỏi bạn: “Bạn đã đặt mục tiêu tài chính hay chưa?”.
Mục tiêu tài chính là kim chỉ nam giúp bạn bám sát các hoạt động tài chính, điển hình là việc kiểm soát chi tiêu.
Ví dụ: mục tiêu tài chính của bạn là có 1,2 tỷ sau 10 năm. Bạn cần tiết kiệm 60 triệu/năm (tương đương 5 triệu/tháng) và đầu tư với lãi suất trung bình 12%/năm trong 10 năm. Giả dụ mức tiết kiệm là 20% thu nhập của bạn. Áp dụng theo quy tắc 50/30/20, tôi có bảng sau:
Tổng thu nhập: 25 triệu/tháng | ||
20% thu nhập | 30% thu nhập | 50% thu nhập |
Tiết kiệm để đầu tư | Dành cho chi tiêu cá nhân | Dành cho chi tiêu thiết yếu |
5 triệu/tháng | 7,5 triệu/tháng | 12,5 triệu/tháng |
Dựa vào bảng trên, số tiền dành cho những thứ thiết yếu ở hạn mức 12,5 triệu/tháng. Bạn có thể tiêu ít hơn nhưng tuyệt đối không tiêu nhiều hơn, trừ trường hợp cấp bách như phục vụ cho sức khỏe (mua điện thoại đời mới không được coi là cấp bách đâu nha)
Nếu bạn chưa biết cách đặt mục tiêu tài chính, click vào đây.
Không có kế hoạch cho thói quen chi tiêu là một trong những cạm bẫy lớn nhất khiến mọi người khó đạt được mục tiêu tài chính.
Thực tế là nhiều người trong chúng ta đơn giản không theo dõi tiền của chúng ta đi về đâu, điều có thể hao mòn mục tiêu tài chính. Chi tiêu thực sự nghĩa là phải có kế hoạch từ trước: bạn sẽ tiêu bao nhiêu tiền vào những khoản nào và theo dõi mỗi khoản chi tiêu. Khi bạn đã có thói quen chi tiêu thì sẽ đơn giản hơn trong việc kiểm soát các khoản đã chi.
Hãy theo dõi các khoản chi tiêu trong 3 tháng gần nhất, phân thành 2 loại: chi tiêu thiết yếu và không thiết yếu. Hãy bắt đầu tìm cách giảm chi tiêu của mình, ưu tiên loại bỏ bớt các khoản chi không thiết yếu, đơn giản như hạn chế uống café ngoài quán.
Hàng tháng, bạn nên lập kế hoạch mua sắm (chỉ trong hạn mức cho phép) và đánh thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu hiện tại. Sau đó, chi mua theo thứ tự cấp bách rồi đến thiết yếu. Những gì chưa cần thiết thì khoan hãy mua vì có thể sau này kế hoạch bạn thay đổi và bạn sẽ chẳng cần đến nó. Số tiền chưa tiêu hết có thể để dành cho chi tiêu tháng sau, hoặc chuyển vào quỹ đầu tư tài chính, thậm chí chớp lấy những khoản đầu tư nhanh.
Bạn có thể tải về ứng dụng di động Money Lover để quản lý chi tiêu tại đây.
#4 Tiết kiệm trước khi chi tiêu – thói quen tài chính cần nắm vững
Sau khi nhận lương (hoặc một khoản thu nhập), và trước khi thanh toán các hóa đơn, mua sắm hay chi tiền vào bất cứ việc gì khác… Bạn hãy lập tức trích ngay một phần thu nhập để tiết kiệm, tôi gọi đây là nguyên tắc tiết kiệm chủ động.
Sẽ có người nói: “tiết kiệm rồi cũng để phục vụ cho bản thân, chi bằng tiêu luôn cho nhanh”. Tôi phản đối ý kiến này.
Tất nhiên, khoản thu nhập đã được đưa vào quỹ tiết kiệm cuối cùng cũng để phục vụ cho bản thân, NHƯNG để phục vụ cho mục đích LÀM GIÀU chứ không dùng để chi tiêu cho các vấn đề nhỏ nhặt khác của cá nhân như thỏa mãn sở thích, ăn chơi,…
Nếu cứ mãi nghĩ đến những khoản chi tiêu chỉ để thỏa mãn bản thân nhất thời thì bao giờ bạn mới có thể trở nên giàu có?
Đừng nghĩ tiết kiệm là keo kiệt, là không biết hưởng thụ cuộc sống. Tiết kiệm là tạo động lực cho bản thân.
Tiết kiệm là một trong những cách để nói với bản thân rằng tương lai, con đường làm giàu của mình quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Đó là động lực to lớn, mang đến cho bạn ý chí đúng đắn trong quản lý tài chính cá nhân.
Duy trì thói quen tài chính lành mạnh theo thứ tự “tiết kiệm trước, chi tiêu sau”, bạn sẽ bất ngờ với số tiền mình để dành được sau một khoảng thời gian dài.
Đọc thêm: Tiết kiệm tiền hiệu quả theo nguyên tắc tiết kiệm chủ động
#5 Kiểm soát tâm lý để có quyết định tài chính đúng đắn
Yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến quản lý tài chính nhiều hơn những gì bạn có thể nghĩ đến.
Chắc hẳn xung quanh bạn sẽ có những kiểu người như thế này:
- Người nghiện mua sắm tới mức cứ thích là mua, hoặc lạm dụng mua sắm như một cách giải tỏa căng thẳng.
- Người tốn rất nhiều tiền để chạy theo những món đồ công nghệ đời mới nhất như điện thoại iPhone, Apple watch.
Nếu những chi tiêu trên so với thu nhập của họ chỉ như “muối bỏ biển” thì tôi không có ý kiến gì, dù tôi không đồng tình lắm với lối sống hoang phí. Điều đáng tiếc là đa số mọi người không giàu có đến vậy, số tiền họ kiếm được còn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu xài của họ.
Nhưng tại sao họ vẫn quyết định mua những thứ đó?
Thực chất các quyết định về tài chính chịu nhiều ảnh hưởng bởi cảm xúc và tâm lý hơn là lý trí và tính toán.
Giả dụ, bạn là một người nghiện mua sắm, bạn chọn phương án vay nợ qua thẻ tín dụng và mua hàng trả góp.
Mua sắm càng nhiều, bạn sẽ càng “sở hữu” nhiều món nợ. Thông thường, để cảm giác nợ nần nhanh chóng được giảm xuống, bạn sẽ ưu tiên trả món nợ có dư nợ cao nhất, lãi suất vay lớn nhất.
Điều này nghe có vẻ hợp lý…
Tuy nhiên, nếu minh mẫn suy nghĩ thì bạn sẽ thấy rằng:
- Để không phải trả nợ, tốt nhất là không nên vay nợ ngay từ đầu.
- Nếu đã lỡ vay nợ, nên ưu tiên trả món nợ nhỏ nhất (theo phương pháp Snowball của Dave Ramsey) vì bạn có thể dễ dàng trả dần dần. Sau khi trả được 1 món, bạn sẽ có động lực để trả tiếp các món nợ lớn hơn.
Phải làm gì để kiểm soát tâm lý?
Trước tiên, bạn cần hiểu rằng con người không phải robot nên không thể loại bỏ yếu tố tâm lý khỏi các quyết định tài chính.
Chúng ta sẽ sử dụng lý trí (tất nhiên phải có cả tính toán) để tác động lên quyết định tài chính. Tất nhiên, sự đấu tranh giữa lý trí và tâm lý là điều không hề dễ chịu, và quyết định sáng suốt là khi lý trí chiến thắng tâm lý.
Một trong những cách để kiểm soát chi tiêu hiệu quả, đó là quy đổi món đồ bạn muốn mua – từ tiền sang số giờ làm việc của bạn.
Ví dụ, thu nhập trung bình của bạn là 30 triệu đồng/tháng (bao gồm cả thu nhập làm giờ hành chính, làm thêm bên ngoài,…). 1 tháng tương ứng với 30 ngày x 24 giờ = 720 giờ. Vậy cứ 1 giờ bạn sẽ có được: 30 triệu/720 giờ = 41,6 nghìn đồng.
Bạn đang muốn mua một đôi giầy có giá 5 triệu. Vậy bạn cần đến 120 giờ (5 triệu/41,6 nghìn) để có thể mua được đôi giầy. Tốn mất 120 giờ chỉ để mua một đôi giầy, liệu có đáng không?
Nhiều người thắc mắc rằng: “tôi làm việc có 8 giờ/ngày, đâu phải 24 giờ. Tính ra 1 tháng chỉ tương ứng với 240 giờ làm việc thôi chứ”.
Nhưng, chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo thu nhập ngay cả trong khi ngủ, không chỉ giới hạn 8 giờ/ngày. Thu nhập có thể đến từ việc đầu tư sinh lời, hoa hồng tiếp thị, hoa hồng bán hàng. Vì vậy, cả 24 giờ/ngày bạn đều có thể kiếm ra tiền. Hơn nữa, sử dụng mức 24 giờ/ngày thay vì 8 giờ/ngày sẽ tạo cảm giác cần nhiều thời gian để kiếm ra một khoản tiền, từ đó khiến bạn phải cân nhắc thật kỹ khi mua sắm.
#6 Đa dạng nguồn thu nhập
65% tỷ phú tự thân có ít nhất 3 nguồn thu nhập và 29% có từ 5 nguồn trở lên
– Theo sách “Rich Habits: The Daily Habits of Successful People”, tác giả Tom Corley –
Điều này cho thấy rằng những tỷ phú tự thân kiếm tiền từ đa dạng nguồn: kinh doanh, chứng khoán, bất động sản, tài chính,… Bằng cách có nhiều nguồn thu nhập, họ có thể đa dạng và giảm thiểu các rủi ro tài chính cá nhân.
“Nhưng tôi không phải là tỷ phú, tôi đâu thể đa dạng nguồn thu nhập như họ?”.
Bạn nên biết rằng, tỷ phú tự thân không phải là những người được hưởng thừa kế của gia đình. Trước khi trở thành tỷ phú, họ cũng chỉ thuộc nhóm người thu nhập thấp và trung bình trong xã hội. Và chính vì họ nỗ lực đa dạng nguồn thu nhập, họ mới tích góp đủ tài sản để trở thành tỷ phú.
Đa dạng nguồn thu nhập phải đồng thời với việc kiếm nhiều tiền hơn. Tôi đặc biệt ưa thích cách tiếp cận này vì nó quyết định đến tỷ lệ tiết kiệm.
Tỷ lệ tiết kiệm = Thu nhập / Chi tiêu
Theo công thức trên, có 2 cách đơn giản để gia tăng tài sản đó là cắt giảm chi tiêu (giảm mẫu số) hoặc kiếm nhiều tiền hơn (tăng tử số).
Cắt giảm chi tiêu là tốt, nhưng không nên quá cực đoan theo kiểu nhịn ăn nhịn uống. Tuổi trẻ là lúc bạn có nhiều khoản chi tiêu để phát triển tương lai, thực hiện khát vọng của bản thân. Hãy nỗ lực để gia tăng thu nhập, đó là cách tạo thêm động lực kiếm tiền cho bạn.
Một số nguồn thu nhập khác ngoài công việc đi làm hành chính như: nhận thêm việc ngoài (freelance), tiếp thị liên kết, hoa hồng môi giới, bán hàng online,…
Khi bắt đầu một nguồn thu nhập mới, bạn đã tạo thêm một cơ hội làm giàu. Kể cả khi công việc chính của bạn gặp bất ổn, đem lại thu nhập không như ý muốn thì bạn vẫn còn những nguồn thu nhập khác. Đa dạng tài chính cá nhân sẽ giúp bạn tiến xa hơn, nhanh hơn tới mục tiêu mình mong muốn.
#7 Phân tích tính khả thi của các kênh đầu tư
Bạn có nguồn thu nhập đa dạng nhờ vào chăm chỉ làm thêm, bạn tiết kiệm và chi tiêu hợp lý khiến cho quỹ tài chính của bạn ngày càng lớn. Thật tuyệt vời! Bạn bắt đầu đầu tư với sự hứng khởi, kỳ vọng khối tài sản sẽ tăng gấp đôi, gấp ba sau vài năm.
Đùng một cái, kênh đầu tư của bạn “sập”. Bao nhiêu năm vất vả kiếm tiền, tích góp để đầu tư, giờ tất cả đổ sông đổ biển.
Tôi hy vọng bạn chưa gặp phải tình cảnh trên. Đáng tiếc, chỉ vì thiếu kiến thức mà hàng trăm con người đã trở nên “tay trắng”, trong đó có những người cao tuổi – đối tượng chịu “tổn thương” tài chính nhiều nhất và cả những bạn trẻ với nhiều khát vọng làm giàu, giờ cũng đã mất niềm tin vào đầu tư.
Thế nhưng, không bao giờ là quá muộn để trở thành một người đầu tư thông minh, nếu bạn rèn luyện thói quen phân tích tính khả thi của các kênh đầu tư trước khi tham gia vào.
Với những kênh đầu tư cam kết lãi suất lớn, vượt mức 30%/năm thì hãy phân tích kĩ những thông tin như: chủ đầu tư dự án là ai, dự án tạo lợi nhuận thế nào mà có thể trả lãi suất cao đến vậy, dự án có được cơ quan chức năng cấp phép hay không?
Kể cả những kênh đầu tư truyền thống và hợp pháp như cổ phiếu, trái phiếu hoặc bất động sản, việc liên tục theo sát tín hiệu thị trường và phân tích rủi ro trước khi đầu tư là rất quan trọng.
Không một kênh đầu tư nào là không có rủi ro, phân tích là cách để kiểm soát rủi ro trong quá trình đầu tư.
Ví dụ, bạn dự định mua một mã cổ phiếu để đầu tư dài hạn. Hãy phân tích kĩ những yếu tố như triển vọng tăng trưởng của ngành, định hướng phát triển và “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính. Nếu doanh nghiệp đủ sức để phát triển theo tăng trưởng ngành, giá cổ phiếu sẽ tăng trong tương lai và ngược lại, giá cổ phiếu sẽ giảm.
#8 Thay đổi từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống
7 thói quen ở trên để thực hiện được bạn cần phải có một nền tảng kiến thức tài chính nhất định. Có thể bạn đang nghĩ: “tại sao tạo dựng thói quen tài chính lại phức tạp đến vậy?”
Không phải vậy đâu, thói quen tài chính bắt nguồn từ một cuộc sống giản dị và tối giản (minimalism).
Ví dụ như đi xe bus đi làm, mua hàng giảm giá, bày trí nhà cửa gọn gàng, tự nấu cơm mang đi làm,…
Nhìn có vẻ không hào nhoáng, nhưng lối sống này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều.
Tìm hiểu về cuộc sống tối giản qua tác phẩm “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” của tác giả Chi Nguyễn tại đây.
Tuy nhiên, đừng cho rằng tiết kiệm là hạ thấp sĩ diện, phẩm giá của bản thân.
Thứ nhất, tiết kiệm để có quỹ tiền dự phòng cho tương lai là hướng tới độc lập tài chính. Đến khi nghỉ hưu hoặc về già, bạn sẽ không trở thành gánh nặng tài chính của người thân. Một người có phẩm giá tốt sẽ không làm phiền đến ví tiền của người khác.
Có những người chỉ vì cái sĩ diện “ảo” trước mắt mà sống kiểu “sang chảnh” bề ngoài nhưng bên trong thì nợ nần, chỉ cần tận hưởng hôm nay mà không cần biết mai sẽ ra sao. Cho đến khi họ không còn đủ sức để kiếm tiền nữa, chẳng lẽ lại ngửa tay xin tiền con cái?
Thứ hai, phẩm giá phải toát ra từ tri thức và cách đối nhân xử thế, chứ không phải phô trương qua những món đồ hàng hiệu. Tôi khuyến khích các bạn từ bỏ việc mua một bộ quần áo đắt tiền, nhưng đừng tiếc tiền cho những mối quan hệ chân thành hay những khóa học để nâng cao tri thức.
Và cũng đừng tiếc tiền cho sức khỏe vì đó là vốn quý giá nhất của con người. Ăn uống đủ chất, rèn luyện sức khỏe thì mới có sức để kiếm tiền.
Thay đổi từ những thứ nhỏ nhất trong cuộc sống để đạt được những điều lớn hơn. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Tổng kết lại về thói quen tài chính
Sẽ không có một “công thức chuẩn” để rập khuôn thực hiện 8 thói quen tài chính nêu trên vì từng cá nhân trong chúng ta lại có xuất phát điểm khác nhau. Hãy tư duy, tùy biến sao cho hợp với hoàn cảnh, điều kiện sống và năng lực của các bạn.
Cùng với thời gian và trải nghiệm, những thói quen tài chính tốt sẽ được hình thành và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Khi đó, con đường đạt mục tiêu tài chính, độc lập tài chính sẽ không còn xa.
Tôi tin 8 thói quen tài chính nêu trên sẽ hữu ích với các bạn độc giả – từ những người chưa từng biết đến thói quen tài chính là gì, đến những người đã biết, đã thực hiện hoặc đang cân nhắc thực hiện những thói quen trên. Đọc xong bài viết này, dù bạn có bắt đầu thực hiện thói quen tài chính ngay hay không, tôi tin rằng bạn sẽ có thêm nhận thức mới mẻ và đúng đắn về quản lý tài chính trong cuộc sống của mình.
Giá mà tôi biết điều này sớm hơn….Những điều đáng lẽ ra nên được tiếp cận ngay từ hồi phổ thông thì…. Thế giới phẳng có thể tìm đc mọi thông tin thì lại như một mớ hỗn độn đầu độc cả 1 thế hệ.
Muộn đến 20 năm. Trong 20 năm đó nếu đc tiếp cận khái niệm lãi suất kép, quản trị tài chính thì bây giờ đã khác…. Cảm ơn tác giả
Hi chị!
Không có gì là quá trễ đâu chị ạ, kiến thức mình học tập được mình lại truyền đạt cho con cháu. Cái quan trọng là chúng ta nuôi dưỡng một thế hệ sao cho có tri thức về tài chính thì xã hội này sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Cảm ơn chị đã quan tâm đến bài viết của chúng tôi.
Chào các bạn,
8 thói quen tài chính trên rất hay, hữu ích & rất có giá trị cho nhưng ai có thể thực hiện được chúng hoặc áp dụng chúng được 50% – 70% cũng đã rất tốt rồi. Mình cũng biết đến xu thế FIRE cũng thấy tiêu chí na ná gần như 8 thói quen tài chính này. Mình rất tâm đắc câu nơi của tỉ phú Warren Buffett ” Nếu không tìm cách kiếm tiền trong lúc ngủ, Bạn sẽ phải làm việc tới khi chết “…. Rất hay, quá tuyệt! Và từ nay trở đi, dường như câu nói này đã thành kim chỉ nam cho mình về tư duy tài chính, độc lập tài chính, tiết kiệm, đầu tư & làm giàu để trở lên giàu có.
Xin cảm ơn các bạn rất nhiều.
Hi bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết của chúng tôi. Mong bạn tìm thấy chút gì đó hữu ích trên con đường độc lập tài chính qua những bài viết của chúng tôi.
Thân!
Xin add tư vấn giúp. Em năm nay đã 34 tuổi. Đã có vợ và 3 đứa con. Hiện tại e vẫn chưa có nhà ở. Nợ xấu khoảng 30tr thôi. Lương tháng e 10 tr. Vk e thì chỉ ở nhà nuôi con không đi làm được. Vậy nhờ add tư vấn giúp. Mục tiêu của e là muốn xây nhà trong 3 năm tới… Nhà cấp bốn khoảng 200tr thôi. Vậy e phải chỉ tiêu thế nào để cân bằng giữa chi tiêu cá nhân, trả nợ và tiết kiệm xây nhà?
Hi bạn!
Thông tin bạn cung cấp chung chung quá nên mình không thể trả lời cụ thể được. Việc lập một kế hoạch tài chính cá nhân cần có thông tin cụ thể hơn. Do đó mình xin trả lời ngắn gọn như sau:
– Giả định khoản nợ 30 triệu của bạn là bao gồm cả gốc + lãi và bạn đã đàm phán được với chủ nợ là không tính thêm lãi và kéo dài thời gian trả nợ.
– Giả định lương tháng bạn sẽ tăng 20% sau 1 năm. Tức thu nhập năm đầu tiên của bạn là 120 triệu, năm thứ 2 là 144 triệu và năm thứ 3 là 173 triệu. Tổng 3 năm là 437 triệu đồng.
– Giả định bạn không đầu tư và không có thu nhập khác.
=> Số tiền còn lại để chi tiêu trong 3 năm = 437 – 30 – 200 = 207 triệu, tương ứng khoảng 5,75 triệu/tháng. Với số tiền này mình nghĩ không khả thi để nuôi 4 người trong gia đình khi con bạn lớn hơn và cần nhiều chi phí sinh hoạt hơn. Việc chắt bóp tiết kiệm hơn cũng sẽ không phù hợp vì mức chi tiêu 5,75 triệu/tháng cho gia đình 4 người là không khả thi rồi.
Bạn có 2 phương án: một là tăng thu nhập bằng công việc chính, hai là giãn mục tiêu xây nhà thêm một vài năm nữa.
Với thông tin bạn đưa mình chỉ có thể tư vấn gói gọn và đơn giản như vậy thôi. Chúc bạn và gia đình sớm đạt được mục tiêu đã đề ra. thân!