- 08/27/2021
- Posted by: doclaptaichinh.net
- CHỨNG KHOÁN CĂN BẢN, PHÂN TÍCH CƠ BẢN
Phân tích cơ bản chứng khoán – một khái niệm nghe tưởng chừng cơ bản nhưng lại là một hệ thống phân tích kĩ lưỡng đem đến những khoản đầu tư cổ phiếu vô cùng thành công của những huyền thoại Warren Buffett, Peter Lynch. Vậy phân tích cơ bản là gì?
Phân tích cơ bản là gì?
Phân tích cơ bản (fundamental analysis) là một trong số những phương pháp phân tích chứng khoán (security analysis) cổ điển và lâu đời nhất cho đến ngày nay. Phân tích cơ bản tập trung phân tích những yếu tố như triển vọng ngành, giá trị nội tại và năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Peter Lynch – nhà quản lý quỹ thành công bậc nhất mọi thời đại với lãi suất kép xấp xỉ 29% trong 13 năm liên tiếp từng có câu châm ngôn nổi tiếng: “Đằng sau mỗi cổ phiếu luôn là một doanh nghiệp đang kinh doanh. Và chỉ có 1 lý do khiến cổ phiếu tăng: doanh nghiệp đứng sau làm ăn tốt hơn, hoặc tăng trưởng mạnh từ công ty nhỏ lên quy mô khổng lồ.”
Dựa vào phân tích cơ bản cổ phiếu, bạn có thể tìm ra những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiềm lực tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng quy mô trong tương lai. Đó cũng là cách đem lại những khoản đầu tư vô cùng thành công cho Warren Buffett, Benjamin Graham.
Phân tích cơ bản thường gắn liền với triết lý đầu tư giá trị và đầu tư dài hạn giúp nhà đầu tư đảm bảo 3 yếu tố kĩ lưỡng, an toàn vốn và hứa hẹn mức lợi nhuận đạt yêu cầu.
Phân tích cơ bản phù hợp với những ai?
Nếu như bạn có tư duy chuẩn đầu tư và tầm nhìn dài hạn thì xin chúc mừng, phân tích cơ bản chính là phương pháp tuyệt vời dành cho bạn.
“Nhưng tôi không giỏi toán, vậy phân tích cơ bản có phù hợp với tôi không?”
Có thể bạn đã nhìn thấy những mô hình định giá chứng khoán phức tạp, những biểu đồ xanh đỏ chằng chịt và cho rằng chứng khoán cần rất nhiều kiến thức về toán học? Không phải vậy đâu! Đa số chúng ta đang phức tạp hóa vấn đề, kì thực phân tích chứng khoán càng đơn giản càng tốt. Phân tích cơ bản không phải là một thứ toán học gì đó cao siêu.
Ngài Peter Lynch đã từng nói: “Tất cả các thứ toán học mà bạn cần trên thị trường chứng khoán, bạn đều đã học từ năm lớp 4 rồi!”.
Ngài Peter Lynch thừa nhận là chưa học nhiều lớp kế toán, kiểm toán, cũng chẳng học MBA hay thạc sĩ tài chính. Để tham gia thị trường chứng khoán, theo ông thì nhà đầu tư cá nhân không cần phải có bộ óc tính toán phi thường, chẳng cần phải hiểu biểu đồ phức tạp, mô hình CAPM, giả thuyết thị trường hiệu quả,…
Do đó bạn hãy tự tin học phân tích cơ bản, vì thực ra các phép toán cần thiết để đầu tư chứng khoán chúng ta đã học từ hồi tiểu học rồi!
Các yếu tố quan trọng trong phân tích cơ bản
Nhiều nhà đầu tư cá nhân nhận thức được tầm quan trọng của phân tích cơ bản, nhưng họ thực hiện nó một cách hời hợt khi thứ họ quan tâm chỉ là lợi nhuận. Họ chú trọng vào lợi nhuận ngắn hạn, tăng trưởng lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) mỗi quý nên kết quả phân tích thiếu tầm nhìn dài hạn. Đáng buồn thay, nhiều cá nhân lại thích đầu cơ lướt sóng dựa trên những thông tin như vậy (!)
“Vậy nếu không chỉ nhìn vào lợi nhuận thì chúng ta sẽ cần nhìn vào những yếu tố nào?”.
Nền tảng của đầu tư chứng khoán là kiến thức cơ bản về tài chính. Bạn đừng lo lắng quá, chỉ cần dừng ở mức độ cơ bản là đủ, thậm chí bạn có thể bắt đầu đầu tư mà chẳng cần đến những mô hình định giá phức tạp. Nhưng dù là cơ bản thì cái bạn cần chính là một hệ thống phân tích kĩ lưỡng để hiểu được mô hình kinh doanh, triển vọng ngành, lợi thế cạnh tranh, năng lực tài chính và rủi ro của doanh nghiệp. Chỉ khi nắm rõ những vấn đề trên, bạn mới có thể yên tâm xuống tiền mua cổ phiếu.
Các tiêu chí trong hệ thống phân tích cơ bản của mỗi người là khác nhau. Benjamin Graham, cha đẻ của triết lý đầu tư giá trị đã đề xuất một hệ thống bao gồm hai nhóm nhân tố định lượng (quantitative) và nhân tố định tính trong cuốn sách Security Analysis (1934). Chúng ta sẽ cùng đến với một vài nhân tố – theo cá nhân tôi là quan trọng.
Phân tích định tính
Các nhân tố định tính (qualitative) bao gồm những yếu tố sau:
- Kỳ vọng ngành (prospect): đầu ra của ngành có triển vọng để doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong vài năm tới hay không?
- Mô hình kinh doanh (business): các doanh nghiệp hoạt động trong từng ngành sẽ có mô hình kinh doanh khác nhau, tường tận về mô hình kinh doanh sẽ giúp bạn hiểu thêm về lợi thế cạnh tranh và cơ cấu tài chính của doanh nghiệp.
- Lợi thế cạnh tranh (moat): đó có thể là lợi thế về nhãn hiệu (branding), bí quyết kinh doanh, độc quyền sản phẩm, chi phí sản xuất thấp (low-cost) nhờ quy mô lớn, bằng sáng chế (license), khả năng đàm phán với nhà cung cấp, khả năng huy động vốn. Lợi thế này có bền vững hay không? Và trong tương lai ban lãnh đạo có kế hoạch gì để cải thiện lợi thế cạnh tranh?
- Rủi ro (risk): rủi ro đến từ chu kỳ kinh doanh, biến động nền kinh tế, chính sách vĩ mô. Ban lãnh đạo có biện pháp khống chế rủi ro hay không?
- Ban lãnh đạo và quản trị (management): ban lãnh đạo có đáng tin cậy, có tầm nhìn tốt, có tư duy “win-win” với cổ đông hay không?
Các nhân tố trên bạn có thể tham khảo trên vietstock.vn hay cafef.vn hoặc thông qua các báo cáo phân tích ngành và doanh nghiệp của các công ty chứng khoán. Vì định tính nên bạn không cần tìm kiếm kết quả chính xác nhất. Ngay cả những chuyên viên phân tích chứng khoán cũng chỉ có thể đưa ra dự báo tăng trưởng ngành dựa trên cảm quan cá nhân. Trường hợp này, bạn hãy cẩn trọng điều chỉnh lại con số dự phóng dựa trên kiến thức và phán đoán của bạn, thay vì tin tưởng hoàn toàn tuyệt đối vào họ.
Phân tích định lượng
Các nhân tố định lượng (quantitative) bao gồm những chỉ tiêu tài chính (financials) bạn có thể tìm thấy trong báo cáo tài chính được doanh nghiệp công bố hàng quý và hàng năm, gồm:
- Doanh thu và lợi nhuận: tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, tỷ suất sinh lời ROE, ROA, ROIC, biên lợi nhuận, các khoản thu nhập bất thường, chỉ số EPS.
- Tài sản và nguồn vốn: cấu trúc vốn, tỷ lệ nợ vay, cơ cấu tài sản, vốn lưu động, tiền mặt, hệ số thanh toán.
- Dòng tiền: dòng tiền tự do, chi phí vốn CAPEX, chính sách cổ tức.
- Chỉ số giá thị trường: P/E và P/B.
Những chỉ tiêu trên là những “con số biết nói” và đều có mối liên kết với nhau, cơ bản nhất bạn cần kiểm tra số liệu giữa báo cáo kinh doanh, bảng cân đối kế toán và lưu chuyển tiền tệ (3 bộ phận của báo cáo tài chính). Ngoài ra, việc so sánh các chỉ tiêu giữa các doanh nghiệp cùng ngành là điều nên làm.
Bắt đầu học phân tích cơ bản từ đâu?
Để nắm bắt toàn bộ hệ thống phân tích cơ bản cổ phiếu thật không hề dễ dàng với những nhà đầu tư F0. Nhưng bạn không nhất thiết phải phân tích tất cả.
Hãy bắt đầu phân tích một vài nhân tố cơ bản định tính như triển vọng ngành, mô hình kinh doanh, lợi thế cạnh tranh và nhân tố định lượng như tỷ suất sinh lời ROE, biên lợi nhuận, tỷ lệ nợ vay và dòng tiền tự do. Vậy là bạn đã sẵn sàng để đầu tư rồi.
Nếu bạn hỏi mình học kiến thức đầu tư chứng khoán miễn phí ở đâu là oke nhất thì bấm vào link dưới đây nhé. Hơn 50000 người đang học chứ không chỉ riêng mình
[su_button url=”https://doclaptaichinh.vn/hoc-dau-tu-chung-khoan/” target=”blank” style=”flat” background=”#535A77″ color=”#FFFFFF” size=”12″ wide=”no” center=”no” radius=”auto” icon=”” icon_color=”#FFFFFF” text_shadow=”none” desc=”” download=”” onclick=”” rel=”” title=”” id=”” class=””]HỌC NGAY[/su_button]
[/su_box]
Tôi nhận thấy một điều kì cục mà nhiều bạn mới đầu tư thường nóng lòng muốn thực hiện đó là định giá cổ phiếu. Đúng là định giá quan trọng thật, nhưng không đơn thuần là phép tính cơ bản mà nó cần nhiều kiến thức, nhiều cảm tính hơn.
Liệu ai có thể dự đoán chính xác tốc độ tăng trưởng ngành và doanh nghiệp khi tương lai có quá nhiều biến động, liệu ai có thể đưa ra kết quả định giá chính xác từng đồng.
Câu trả lời là không! Đối với nhà đầu tư mới, các bạn nên tập trung phân tích những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, đưa ra một khoảng giá an toàn để mua cổ phiếu. Khoảng giá an toàn tất nhiên vẫn phụ thuộc vào cảm tính của mỗi người.
Tôi thường tham khảo mức giá thấp – cao trong 52 tuần trở lại của một cổ phiếu, ví dụ như cổ phiếu CTCP Tập đoàn Địa ốc Nova (NVL) có mức giá thấp – cao trong 52 tuần trở lại (lấy mốc ngày 31/5/2021) là 39.700 đồng – 106.300 đồng. Thị trường đang trong giai đoạn tăng (uptrend) nên giá cổ phiếu NVL tăng chóng mặt, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 và vướng mắc pháp lý đã làm tắc nghẽn việc triển khai dự án của NVL. Tôi cho rằng ngành bất động sản sẽ còn lao đao trong năm 2022 và cổ phiếu NVL đang được trả mức giá quá cao. Nếu mua cổ phiếu NVL để nắm giữ lâu dài thì tôi sẽ mua vào với mức giá dưới 80.000 đồng.
Tuy nhiên, định giá cổ phiếu vẫn luôn là chủ đề hot. Chúng ta sẽ hẹn gặp lại nhau trong một bài viết giới thiệu các phương pháp định giá cổ phiếu. Hi vọng bài viết này sẽ giải đáp câu hỏi phân tích cơ bản trong chứng khoán là gì cho bạn đọc. Thành công sẽ đến với bạn từ những điều cơ bản nhất!