Ngân hàng kinh doanh tiền hay lòng tin?

Nhà kinh tế học Alan Greenspan từng nói: “When trust is lost, a nation ability to transact business is palpably undermined”. Trong môi trường kinh doanh, niềm tin – thứ được xây dựng bởi từng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp và tập đoàn – có thể góp phần tạo ra năng lực của một quốc gia. Vậy nhưng ở Việt Nam, ngân hàng – nơi người dân gửi gắm tiền của tích góp cả đời, nơi có trách nhiệm điều chuyển dòng vốn tín dụng đến những ngành nghề mang lại lợi ích cho xã hội lại đang khiến cho người dân cảm thấy mất niềm tin nhất.

Câu chuyện hai vợ chồng già được giám đốc của một ngân hàng lớn vận động rút hết tiền tiết kiệm và chuyển sang mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, hay một chị vừa bán xôi vì nhân viên ngân hàng “nài nỉ” nên đã chuyển từ tiết kiệm sang mua trái phiếu, giờ họ không biết đến khi nào nhận lại được tiền gốc trái phiếu là minh chứng rõ ràng nhất cho niêm tin vào ngân hàng đã bị xói mòn.

Sẽ có người chỉ trích những ví dụ trên, cho rằng “tự đầu tư thì tự chịu”, “ai bảo ham lãi suất cao”? Nhưng tôi cho rằng, nếu ngân hàng làm đúng và đủ trách nhiệm của mình, thì người dân sẽ không lâm vào cảnh “căng băng-rôn đòi tiền trái phiếu”.

Chỉ vì món lợi hoa hồng từ việc làm đại lý bán trái phiếu mà nhiều ngân hàng đã ép nhân viên phải “dụ” người dân mua trái phiếu. Có bao nhiêu nhân viên tư vấn trái phiếu có bằng cấp về môi giới, đã từng học qua môn đạo đức trong kinh doanh chứng khoán, có tư vấn đầy đủ về rủi ro khi đầu tư trái phiếu? Hay họ chỉ nói như một con vẹt rằng trái phiếu là một khoản gửi tiết kiệm? Nếu có, sẽ không có chuyện xảy ra như vụ trái phiếu SCB.

Nếu tôi nói “trái phiếu SCB” mà bạn nói là sai thì tôi xin khẳng định không phải chỉ mình tôi nói như vậy. Vì vào cái ngày người dân đi “mua trái phiếu”, họ không đi đến Công ty An Đông, cũng chẳng tìm đến Công ty chứng khoán Tân Việt, họ cũng đâu có biết An Đông hay Tân Việt là ai đâu, thậm chí phần lớn khách hàng của SCB là những người trung và cao tuổi còn không biết chứng khoán hay trái phiếu là gì.

Họ không tìm đến ngân hàng với mục đích mua trái phiếu vì họ đâu biết ngân hàng bán trái phiếu. Họ đến SCB để gửi tiết kiệm, nhưng ra về lại là mua trái phiếu. Họ mua trái phiếu ở SCB, đưa tiền cho SCB, được nhân viên SCB giới thiệu trái phiếu như một gói sản phẩm có tên “trái phiếu tiết kiệm” hay “tiết kiệm linh hoạt”. Ngay từ đầu đến cuối họ vẫn tin tưởng SCB chứ không hề giao niềm tin cho một công ty xa lạ tên An Đông.

Ngân hàng suy cho cùng là tổ chức kinh doanh lòng tin. Và cuối cùng niềm tin đó đã bị chính ngân hàng chà đạp.

Nếu nói về trái phiếu khiến bạn thấy chán, tôi sẽ nói về lãi suất tham chiếu.

Anh bạn tôi vay mua nhà tại ngân hàng A, hợp đồng quy định thanh toán lãi suất thả nổi = lãi suất tham chiếu + 4%/năm. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu lãi suất tham chiếu là lãi suất huy động 13 tháng bậc 1.

Dành cho những bạn chưa rõ, lãi suất huy động 13 tháng bậc 1 chính là lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thông thường, thường chúng ta sẽ gửi 6, 9, 12, 13 tháng, chỉ khác nhau về mức lãi suất do khác biệt về thời gian gửi.

Nhưng lạ thay, lãi suất tham chiếu trên hợp đồng của anh bạn tôi là lãi suất huy động 13 tháng bậc 2? Ngân hàng A giải thích rằng đó là lãi suất dành cho tiết kiệm 13 tháng với số tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên. Bậc 2 khá cao hơn so với bậc 1.

Như vậy, lãi suất huy động 13 tháng bậc 2 gần như do nhà băng A quyết định, người vay phải chấp nhận. Không rõ Ngân hàng nhà nước nghĩ sao về việc này? Cùng một kỳ hạn mà lại có bậc 1, bậc 2 rồi có ngân hàng lại có cả bậc 3. Bậc 2, 3 có vi phạm quy định nhất thời về trần lãi suất huy động hay không?

Kết bài, tôi lấy ví dụ về một ngân hàng nổi tiếng với sản phẩm “tiết kiệm chứng chỉ quỹ” (?) Là một ngân hàng top đầu về quy mô và dịch vụ, họ tiên phong cung cấp ra thị trường đa dạng sản phẩm đầu tư, trong đó có chứng chỉ quỹ. Đầu tư chứng chỉ quỹ không có gì sai, tuy nhiên nhân viên ngân hàng lại tư vấn cho đối tượng trung và cao tuổi, rằng đầu tư chứng chỉ quỹ cũng như một khoản gửi tiết kiệm với lãi suất ổn định cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm, nhưng không cam kết lãi suất. Và khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu thoái trào, nhiều người nhận ra tài khoản chứng chỉ quỹ của họ bốc hơi vài chục đến trăm triệu chỉ sau một đêm.

Nếu ngân hàng tiếp tục làm ăn láu cá, vì bất chấp lợi nhuận tích lũy những đối tác tồi như An Đông hay Tân Hoàng Minh và những nhân viên thiếu đạo đức nghề nghiệp thì niềm tin của người dân vào ngân hàng sẽ mất dần.

Loading



Trả lời