- 12/22/2020
- Posted by: doclaptaichinh.net
- TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Có bao giờ bạn tự hỏi: “khi nào tôi mới trở nền giàu có?”. Thay vì để tâm trí vướng bận với câu hỏi mông lung như vậy, bạn nên đặt ra mục tiêu tài chính cá nhân. Mục tiêu tài chính thể hiện kì vọng vật chất của bạn, và chỉ khi kì vọng đó rõ ràng thì bạn mới sẵn sàng cho con đường làm giàu của bản thân.
Các khái niệm mục tiêu tài chính cá nhân
Theo cuốn sách “Tiền làm chủ cuộc chơi” của tác giả Tony Robbins, một số khái niệm mục tiêu tài chính cá nhân được định nghĩa như sau:
Khái niệm | Giải thích |
An toàn tài chính | Ở mức này, quỹ tài chính có thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu: ăn uống, thuê nhà, đi lại, tiện ích đơn giản,… trong 1 năm mà bạn không cần phải làm việc. |
Đảm bảo tài chính | Mức quỹ tài chính này có thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu như trên và thêm 50% các nhu cầu nâng cao hơn như: ăn ngoài, giải trí, trang phục,… mà bạn không cần phải làm việc. |
Độc lập tài chính | Với mức tài chính này, bạn sẽ có một cuộc sống tương đương với cuộc sống hiện tại, mà không cần phải làm việc. |
Tự do tài chính | Quỹ tài chính cá nhân đủ để cung cấp cho bạn một cuộc sống HƠN với cuộc sống hiện tại, mà không cần phải làm việc. |
Bạn có thể tìm đọc cuốn sách Tiền làm chủ cuộc chơi của Tony Robbins tại đây.
Nhiều người thích dùng cụm từ tự do tài chính thay vì độc lập tài chính.
Thực tế, khái niệm “tự do” và “độc lập” được định nghĩa tương đối theo cách hiểu của mỗi người. Kể cả định nghĩa của Tony Robbins đưa ra cũng chỉ là khái niệm mang quan điểm cá nhân của ông.
Vì vậy, dù mục tiêu tài chính của bạn là độc lập tài chính hay tự do tài chính thì đích đến vẫn là cuộc sống không thiếu thốn về vật chất.
Những yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính cá nhân
Số tiền mà chúng ta nhận được trong tương lai phụ thuộc vào 3 yếu tố sau:
- Số tiền tiết kiệm được hàng tháng, hàng năm được sử dụng để đầu tư sinh lợi;
- Thời gian đầu tư;
- Tỷ suất sinh lợi.
Các yếu tố này càng lớn thì số tiền ta nhận được càng cao.
Ví dụ, hàng năm tiết kiệm 24 triệu để đầu tư với lãi suất trung bình là 12%/năm, sau 5 năm bạn sẽ có 170 triệu, 10 năm có 471 triệu, 20 năm có 1,9 tỷ và 30 năm có 6,4 tỷ.
Với 24 triệu, bạn còn không thể mua nổi một chiếc iPhone đời mới nhất. Nhưng nếu sử dụng để đầu tư lâu dài, số tiền bạn nhận được là cả một gia tài.
Xác định mục tiêu tài chính theo nguyên tắc SMART
Bạn có thể hiểu theo cách dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt: SMART là “THÔNG MINH”. Cũng hợp lý vì công việc gì cũng cần ứng dụng trí thông minh thì mới dễ hoàn thành.
SMART còn là tổ hợp của những yếu tố giúp bạn định hình và nắm giữ được mục tiêu tài chính của mình trong tương lai. Dựa vào khả năng của chính mình, bạn có thể làm được gì và xây dựng kế hoạch cụ thể.
SMART, hoặc có thể thêm dấu chấm giữa các chữ là S.M.A.R.T, là tên viết tắt các chữ đầu của 5 yếu tố sau:
S – Specific : Cụ thể, dễ hiểu.
M – Measurable : Đo lường được A – Attainable : Có thể đạt được R – Relevant : Thực tế T – Time-Bound : Thời gian hoàn thành |
Cụ thể – Specific
Mọi mục tiêu tài chính bạn đặt ra phải cụ thể, dễ hiểu.
Thường thì khi bắt đầu đặt mục tiêu tài chính, khá nhiều bạn đặt những mục tiêu khó hình dung như khởi nghiệp ở tuổi 30 và mua biệt thự ở tuổi 40,…
Tôi không nói rằng những mục tiêu trên là to lớn hay mơ mộng. Nhiều bạn trẻ ngày nay có khả năng đạt được những mục tiêu đó.
Tôi chỉ cho những mục tiêu trên là khó hình dung, vì hoàn toàn không đề cập đến số vốn cần phải bỏ ra để khởi nghiệp, hay giá trị của căn biệt thự.
Điều này sẽ hạn chế khả năng đạt được mục tiêu của bạn.
Thay vì mơ hồ như vậy, bạn cần đặt mục tiêu của mình thật cụ thể và dễ hiểu để có thể hình dung ra nó.
Ví dụ: Bạn hiện 22 tuổi, dự định khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech vào năm 32 tuổi và cần số vốn là 1,5 tỷ. Từ đó, mục tiêu tiết kiệm của bạn là 96 triệu/năm, đầu tư với lãi suất ổn định và an toàn 8%/năm, sau 10 năm là bạn sẽ có đủ 1,5 tỷ để khởi nghiệp.
Các con số trong ví dụ trên cần gắn liên với các yếu tố M, A, R, T còn lại.
Tải file tính số tiền nhận trong tương lai tại đây
Đo lường được – Measurable
Khi đặt mục tiêu tài chính bạn phải gắn liền mục tiêu với các con số có thể đo lường cụ thể, đó là căn cứ để bạn có thể đánh giá kết quả thực tế so với những con số đã đặt ra từ trước.
Ở ví dụ trên, các con số tôi đưa ra đều đo lường được. Mục tiêu tiết kiệm của bạn là 96 triệu/năm, tức 8 triệu/tháng. Giả định mỗi tháng bạn tiết kiệm 20% tổng thu nhập, bạn cần kiếm tối thiểu 40 triệu/tháng.
Nếu thực tế bạn tiết kiệm ít hơn 8 triệu/tháng, bạn cần giảm chi tiêu để nâng % tiết kiệm, hoặc bạn cần gia tăng thu nhập lên cao hơn.
Các con số đo lường được sẽ giúp bạn bám sát mục tiêu tài chính đặt ra và là căn cứ để điều chỉnh các hoạt động tài chính của bản thân.
Có thể đạt đươc – Attainable
Ngoài việc mục tiêu tài chính phải cụ thể và đo lường được thì nó phải nằm trong khả năng của bạn. Một mục tiêu lớn quá tầm với có thể làm cho bạn mệt mỏi và chán nản khi không đạt được điều đó.
Những không phải vì thế mà không đặt ra những mục tiêu lớn. Bạn sẽ chia nhỏ giai đoạn và đặt cho mình nhiều mục tiêu nhỏ, từng bước đạt mục tiêu nhỏ để đạt được mục tiêu lớn như ban đầu đã đề ra.
Hãy đặt mục tiêu vừa với khả năng và tiềm lực của bạn tại từng thời điểm.
Quay trở lại ví dụ trên, thu nhập 40 triệu/tháng dường như quá sức đối với một thanh niên 22 tuổi. Bạn hãy hạ mức kì vọng thu nhập, 20 triệu/tháng ứng với 22-23 tuổi, 24-25 tuổi là 30 triệu/tháng và tăng dần thu nhập theo độ tuổi và trình độ của bản thân.
Thực tế và liên quan – Relevant
Mỗi mục tiêu nhỏ bạn đặt ra đều phải thực tế và liên quan đến mục tiêu tài chính của bạn.
Các mục tiêu nhỏ không chỉ gói gọn trong 3 yếu tố tiết kiệm, thời gian đầu tư và lãi suất. Hãy nhìn rộng hơn, bạn nên đặt mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng.
Bạn có thể đặt những mục tiêu nhỏ như tham gia khóa học nâng cao kỹ năng chuyên môn, tất nhiên phải phục vụ cho mục đích gia tăng thu nhập của bạn.
Hoặc bạn có thể học đầu tư chứng khoán nhằm chọn lọc những cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi cao. Nếu có kiến thức đúng đắn, bạn có thể đạt lợi nhuận trên 12%/năm.
Nói không, hoặc tạm thời trì hoãn những mục tiêu, chi tiêu chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân của bạn. Sống hưởng thụ thì ai cũng muốn, nhưng bạn nên hưởng thụ khi đã đạt (hoặc đạt một phần) mục tiêu tài chính đã đặt ra.
Thời gian hoàn thành – Time-Bound
Đặt ra thời gian hoàn thành, thời hạn cụ thể cho từng mục tiêu là điều cần phải làm.
Đối với những mục tiêu nhỏ, bạn nên đặt thời gian ngắn hạn. Ví dụ như học đầu tư chứng khoán trong thời gian 3-6 tháng.
Bằng cách này chúng ta sẽ có ý thức và kỷ luật tốt hơn để hoàn thành công việc đúng hạn.
Đối với mục tiêu tài chính, bạn nên đặt thời gian trung hạn với các mốc 5 năm, 8 năm và 10 năm. Tại sao lại như vậy?
Vì việc làm, thu nhập và danh mục đầu tư của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế. Một chu kỳ kinh tế thường diễn ra theo 4 giai đoạn: suy thoái, phục hồi, tăng trưởng, đạt đỉnh và rồi quay trở lại giai đoạn suy thoái. Khó có thể dự đoán chu kỳ kinh tế sẽ kéo dài bao lâu, nhưng sẽ dao động từ 5-10 năm.
Chu kỳ kinh tế bị điều tiết bởi các chính phủ, tổ chức tài chính, tập đoàn kinh tế lớn. Ngoài ra còn có tác động của chiến tranh thương mại, dịch bệnh toàn cầu.
Bạn phải chấp nhận chu kỳ kinh tế như một phần của cuộc sống và học cách điều chỉnh thu nhập, danh mục đầu tư sao cho thích hợp đối với từng giai đoạn của nó.
Đó là lý do tại sao tôi khuyên các bạn nên đặt mục tiêu tài chính gắn với các mốc từ 5-10 năm.
Những sai lầm phổ biến nhất về mục tiêu tài chính
Sau một thời gian khảo sát, tôi đã tổng hợp lại một số sai lầm phổ biến nhất mà các bạn gặp phải:
Tiết kiệm bằng mọi giá để đạt mục tiêu tài chính
“Tôi cần phải tiết kiệm bằng mọi giá, cắt giảm chi tiêu đến mức tối đa để đến khi 40 tuổi có thể đạt được độc lập tài chính”.
Đồng ý rằng tiết kiệm là một trong những nguyên tắc quan trọng của tài chính cá nhân, là một trong những tiền đề để đạt mục tiêu tài chính. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tài chính chỉ bằng việc tiết kiệm thôi là chưa đủ.
Để hiểu đầy đủ, bạn cần tiếp cận khái niệm về tỷ lệ tiết kiệm.
Tỷ lệ tiết kiệm = Thu nhập / Chi tiêu
Muốn tăng tỷ lệ tiết kiệm, bạn cần cố gắng làm ra nhiều tiền hơn so với nhu cầu chi tiêu của mình. Đây là cách tiếp cận theo tử số – tức tập trung vào tăng thu nhập, thay vì tiếp cận theo mẫu số – tức tập trung vào cắt giảm chi tiêu.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc giảm chi tiêu. Dù bạn có nâng cao thu nhập gấp nhiều lần mà chi tiêu của bạn cũng tăng tương đương với tốc độ tăng thu nhập thì cuối cùng tỷ lệ tiết kiệm của bạn cũng sẽ không đổi.
Điều bạn cần làm là cân đổi lại mức chi tiêu của bản thân, tuyệt đối không phung phí tiền bạc nhưng cũng không đến mức keo kiệt. Chi tiêu thể hiện nhu cầu vật chất của bản thân, và chi tiêu hợp lý sẽ thúc đẩy khát vọng kiếm tiền của các bạn.
Vì vậy, hãy tìm cách tăng thu nhập vì đó là động lực giúp các bạn chinh phục những nấc thang mới trong sự nghiệp. Thu nhập tăng, đồng nghĩa với tăng tỷ lệ tiết kiệm, kết hợp với nguyên tắc tiết kiệm chủ động sẽ giúp bạn dần có số tiền lớn cho quỹ tài chính cá nhân.
Đọc thêm: Tổng hợp các cách kiếm tiền hiệu quả trong năm 2021
Sử dụng tiền đầu tư để chi tiêu cá nhân
Nhiều bạn có quan điểm: “cuối cùng thì tiền cũng dùng để chi tiêu, cứ lấy tạm tiền trong quỹ đầu tư tiêu đã, khi nào có thì bù vào sau”.
Đây là quan điểm hết sức sai lầm.
Quay trở lại với ví dụ ở trên, khi bạn đặt mục tiêu tài chính cá nhân sau 10 năm phải có ít nhất 471 triệu, bạn cần xác định các yếu tố sau phải ở mức tối thiểu: số tiền tiết kiệm để đầu tư là 24 triệu/năm, lãi suất trung bình 12%/năm và quãng thời gian đầu tư là 10 năm.
Ví dụ, bạn đã đầu tư đến hết năm thứ 8, số tiền đạt 330 triệu. Bỗng nhiên, bạn rút 120 triệu ra để mua một chiếc xe máy, số tiền đầu tư còn 210 triệu. 2 năm tới, giả định số tiền đầu tư vẫn ở mức 24 triệu/năm, lãi suất 12% không đổi thì số tiền bạn nhận được tại năm thứ 10 là 321 triệu.
Bảng so sánh dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời đúng đắn nhất.
Bạn nhận được gì sau 10 năm đầu tư |
|
Trường hợp rút tiền đầu tư để mua xe | Trường hợp giữ nguyên khoản đầu tư |
321 triệu + 120 triệu (xe máy) = 441 triệu Giả định giá trị xe giữ nguyên sau 2 năm |
471 triệu |
Việc rút tiền đầu tư để chi tiêu sẽ tạo thành thói quen xấu, đã có lần 1 thì sẽ có lần 2, về lâu dài sẽ khiến quỹ đầu tư của bạn vơi dần. Do đó, cần phải tách bạch rõ tiền để chi tiêu cá nhân và tiền sử dụng để đầu tư để tránh ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính.
Hoặc có trường hợp đặt mục tiêu đầu tư 10 năm, đến năm thứ 8 thì rút hết tiền ra để chi tiêu vào những thứ không quá cần thiết, không quá cấp bách. Thật đáng tiếc!
Vì vậy, kiên định với thời gian đầu tư là con đường giúp bạn đạt mục tiêu tài chính.
Tách bạch rõ tiền chi tiêu và tiền đầu tư bằng phương pháp tiết kiệm chủ động
Tham gia các kênh đầu tư đầy rủi ro để tăng tỷ suất sinh lợi
Nếu bạn là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, bạn có thể tham gia các kênh đầu tư đầy rủi ro như đầu cơ chứng khoán, forex, bitcoin,… với tỷ suất lợi nhuận cao để sớm đạt được mục tiêu tài chính mong muốn.
Tuy nhiên, đa số chúng ta là những người sống bằng công việc khác, và đầu tư là công việc tay trái. Vì vậy, mục tiêu tài chính cũng như cách thức đầu tư phải gắn với trạng thái độc lập và an toàn.
Bạn không thể có độc lập tài chính nếu hàng ngày bạn phải đau đầu vì đọc các con số nhảy múa trên bảng điện chứng khoán. Hoặc, chỉ một hành động lũng đoạn thị trường của các tổ chức đầu cơ lớn trên sàn giao dịch forex hoặc bitcoin có thể khiến giá trị tài sản của bạn bốc hơi nhanh chóng.
Nếu nỗi lo tăng giảm giá trị tài sản thường trực trong tâm trí bạn hàng ngày như vậy, chứng tỏ các khoản đầu tư rủi ro không đem lại trạng thái an toàn cho bạn.
Bạn sẽ chỉ đạt mục tiêu tài chính bền vững nếu đầu tư vào những danh mục tài sản an toàn và kiểm soát được rủi ro. Chỉ khi đó, bạn có thể tạm gác công việc vài ngày, đi du lịch và hoàn toàn tin tưởng rằng danh mục tài sản của mình vẫn tăng trưởng bền vững, mang lại lợi tức an toàn, khi đó bạn đang ở trạng thái độc lập và an toàn tài chính.
Khám phá: Những kênh đầu tư tài chính an toàn bạn nên tham gia năm 2021
Lời kết về mục tiêu tài chính
Hi vọng sau bài viết này, các bạn sẽ sớm đặt ra mục tiêu tài chính cá nhân, lưu ý là phải S.M.A.R.T – tức cụ thể, đo lường được, khả thi, thực tế và có cột mốc thời gian rõ ràng. Đây là tiền đề đầu tiên, và cũng là kim chỉ nam cho con đường làm giàu của các bạn.
Tham khảo bài này cũng hay nè https://sonca.vn/lap-muc-tieu-ca-nhan-phat-trien-su-nghiep/