12-mo-hinh-nang-luc

Mô hình năng lực trong quản lý tài chính cá nhân

Học tập, phát triển những yếu tố của mô hình năng lực ASK, KASH giúp quá trình quản lý tài chính cá nhân của bạn dễ dàng đạt đến thành công. Doclaptaichinh.vn sẽ giới thiệu đến bạn đọc mô hình năng lực trong quản lý tài chính cá nhân thông qua bài viết này.

Định nghĩa về năng lực

mo-hinh-nang-luc-anh-01

Theo quan điểm của tâm lý học

Năng lực là tổng hợp các đặc điểm, thuộc tính tâm lý của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động, nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao.

Các năng lực hình thành một phần trên cơ sở của các tư chất tự nhiên của cá nhân, và phần lớn do tập luyện mà có.

Ngoài ra còn có 2 quan điểm phổ biến về năng lực thuộc trường phái của Anh và trường phái của Mỹ. Những quan điểm này xác lập lên mô hình năng lực (competency model) được ứng dụng vào nhiều mặt của đời sống.

Mô hình năng lực theo trường phái của Anh

Năng lực giới hạn bởi 3 yếu tố là Knowledge – kiến thức, Skill – kỹ năng, Attitude – thái độ và được Benjamin Bloom (1956) tổng hợp thành mô hình năng lực ASK.

Mô hình năng lực theo trường phái của Mỹ

Cục quản lý nhân sự (Office of Personnel Management) của Mỹ định nghĩa: năng lực là đặc tính có thể đo lường được của các yếu tố như kiến thức, kỹ năng, thái độ, các phẩm chất cần thiết để hoàn thành được nhiệm vụ và là yếu tố giúp một cá nhân làm việc hiệu quả hơn so với những người khác.

Bạn có thể thấy, năng lực theo trường phái của Mỹ là phiên bản bổ sung, mở rộng thêm yếu tố so với trường phái của Anh.

Và yếu tố cần thiết được nhiều người đồng thuận là Habits – thói quen.

Thế là mô hình năng lực KASH ra đời. Có thể coi KASH là bản nâng cấp của ASK.

Tại sao cần ứng dụng mô hình năng lực trong quản lý tài chính cá nhân?

mo-hinh-nang-luc-anh-02

Thông tin về mô hình năng lực trên internet không nhiều, và ứng dụng nó vào quản lý tài chính cá nhân quá ít ỏi, chủ yếu là nội dung liên quan đến năng lực quản trị doanh nghiệp.

Bài viết này tôi sẽ không đề cập đến quản trị doanh nghiệp hay những thứ nghe có vẻ phức tạp.

Tôi muốn chia sẻ mô hình năng lực quản lý tài chính cá nhân (personal finance competency model).

Liệu nó có cần thiết?

Trong bài viết trước, tôi đã đề cập đến những nguyên tắc của quản lý tài chính cá nhân, gồm có: kiếm tiền 100% khả năng, tiết kiệm và chi tiêu hợp lý, bảo vệ tiền và đầu tư tiền thông minh. Đây là những công việc, hoạt động cơ bản trong cuộc sống mà ai cũng phải thực hiện hàng ngày, điều khác biệt giữa người quản lý tài chính giỏi và kém nằm ở năng lực, khả năng thực hiện.

Đọc thêm: Tài chính cá nhân và những nguyên tắc bạn cần nắm vững

Những người chưa biết quản lý tài chính sẽ thực hiện các hoạt động, các nguyên tắc trên theo kiểu “bản năng” và thường bị cảm xúc nhất thời ảnh hưởng đến các quyết định tài chính.

Nếu biết ứng dụng mô hình năng lực vào quản lý tài chính cá nhân, các hoạt động tài chính của bạn sẽ trở nên “lý trí” và tính toán hơn.

Giả dụ, với mỗi quyết định đầu tư, bạn sẽ vận dụng kiến thức và kỹ năng để kiểm soát rủi ro, tài sản bạn đầu tư sẽ được bảo vệ và sinh lời tốt hơn.

Những yếu tố của mô hình năng lực ASK, KASH trong quản lý tài chính cá nhân

Xin nhắc lại, ASK là viết tắt của Attitude – thái độ, Skills – kỹ năng, Knowledge – kiến thức. KASH là mô hình nâng cấp của ASK khi bổ sung thêm Habits – thói quen. KASH phát âm như CASH (tiền mặt) và thực sự, KASH liên hệ rất mật thiết đến quản lý tài chính cá nhân của bạn.

Vì mô hình KASH đã bao hàm các yếu tố của mô hình ASK nên chúng ta sẽ cùng phân tích luôn mô hình KASH. Những yếu tố được phân tích dưới đây sẽ tập trung vào nguyên tắc tài chính cá nhân.

#1 Kiến thức – Knowledge

mo-hinh-nang-luc-anh-03

Kiến thức là yếu tố đầu tiên của mô hình năng lực KASH (hoặc ASK).

Kiến thức là sự hiểu biết có được thông qua giáo dục, học tập.

Giáo dục, học tập không nhất thiết ở trong trường học chính quy, nó hiện diện qua các hoạt động hàng ngày của chúng ta như: đọc sách báo, trao đổi thông tin,…

Nếu bạn đang đọc bài viết này, tôi tin rằng bạn đang học tập kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, việc này rất tuyệt vời.

Kiếm tiền hoặc đầu tư tiền thì ai cũng biết là cần phải có kiến thức. Vậy, đã bao giờ bạn nghĩ tiết kiệm và chi tiêu hợp lý cũng cần có kiến thức hay chưa?

Nói chung, để thực hiện hiệu quả các nguyên tắc tài chính cần có kiến thức. Và những gì phức tạp thì yêu cầu kiến thức càng cao, ví dụ đầu tư vào những kênh tỷ suất lợi nhuận cao đi kèm rủi ro cao.

Kiến thức sẽ được cụ thể hóa theo đặc thù của từng việc bạn làm. Nhìn chung, có thể chia kiến thức thành 3 nhóm chủ yếu: kiến thức chuyên môn , kiến thức về lĩnh vực và kiến thức hỗ trợ.

Ví dụ, bạn là một nhà đầu tư cổ phiếu dài hạn thì bạn cần có:

  • Kiến thức chuyên môn: về báo cáo tài chính, yếu tố ảnh hưởng giá cổ phiếu,…
  • Kiến thức về lĩnh vực: chứng khoán, kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành,…
  • Kiến thức hỗ trợ: tâm lý thị trường.

Nhiều người lập luận rằng, để bù đắp hạn chế về kiến thức thì chỉ cần thuê các nhà cố vấn tài chính. Tuy nhiên, các cố vấn có những quan điểm trái chiều, họ có những phương án khác nhau và đôi khi, một số phương án họ đưa ra đi kèm động cơ xấu. Lúc này, những người có nền tảng kiến thức tốt sẽ chắt lọc được những phương án sáng suốt.

#2 Kỹ năng – Skills

mo-hinh-nang-luc-anh-04

Sau kiến thức, kỹ năng là tiền đề thứ 2 của mô hình năng lực KASH.

Kỹ năng là năng lực biến kiến thức thành hoạt động, hành động trong các khía cạnh cụ thể. Tức là để học và vận dụng kỹ năng, bạn cần có tiền đề là kiến thức.

Các kỹ năng quan trọng đối với một người quản lý tài chính cá nhân giỏi gồm: tổng hợp, phân tích các dữ kiện, thông tin có sẵn; đánh giá tác động của dữ kiện đó đến tài chính cá nhân; lập và thực thi phương án để đối phó với tác động.

Ví dụ, bạn tổng hợp và phân tích dữ kiện về dịch Covid-19 để dự đoán suy thoái kinh tế sắp xảy ra, giá cổ phiếu sẽ đi xuống vào giữa năm 2020. Do đó, đầu năm 2020 bạn đã giảm số lượng cổ phiếu, tăng mua vàng vật chất và chờ đến thời điểm vàng tăng phi mã.

Một người quản lý tài chính cá nhân giỏi không thể tách rời kiến thức và kỹ năng.

Có người chỉ trang bị kiến thức, rất nhiều và không sử dụng nó vào công việc thực tế thì kiến thức sẽ mãi chỉ nằm trong đầu, không được chuyển hóa thành hành động.

Có người bỏ qua kiến thức mà tiến thẳng đến học kỹ năng, để rồi thiếu tư duy, không hiểu bản chất của sự việc.

Một số bạn học phân tích kỹ thuật về giá cổ phiếu trong quá khứ để dự đoán biến động giá trong tương lai. Tuy nhiên, bạn không có kiến thức để trả lời nguyên nhân tăng giảm giá cổ phiếu do đâu.

Là do biến động của hoạt động kinh doanh? Do triển vọng ngành? Do kinh tế vĩ mô? Hay chỉ đơn thuần vì tâm lý mua vào – bán ra của nhà đầu tư?

Tóm lại, kỹ năng vừa là thang đo năng lực, vừa thể hiện trình độ ứng dụng kiến thức học được vào khả năng quản lý tài chính cá nhân.

#3 Thái độ – Attitude

Thái độ là tiền đề đầu tiên (chữ A) của mô hình ASK, nhưng tôi nghĩ nên xếp nó ở vị trí thứ 3.

Thái độ là sự thể hiện cảm xúc và hành vi với một đối tượng. Thái độ được hình thành, điều chỉnh và củng cố bởi trải nghiệm tương tác trực tiếp với đối tượng đó bằng tâm lý, suy luận và cảm xúc. Do đó, thái độ quyết định hành vi con người, cụ thể là lựa chọn tiếp nhận cái gì, tiếp nhận như thế nào và phản ứng lại ra sao.

Thái độ thường được nhắc đến qua 2 trạng thái: tích cực và tiêu cực.

Bạn đã bao giờ đọc những bài báo có nhan đề kiểu : “Vì sao 95% nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán”?

Những nhan đề như vậy khiến nhiều người có thái độ tiêu cực rằng chứng khoán là cờ bạc đỏ đen. Vì thái độ sai lệch đó, họ “chơi” chứng khoán với tâm thế của một con bạc, không chút kiến thức và kỹ năng được rèn luyện.

Đa số nhà đầu tư thua lỗ vì lý do như thế. Họ không muốn bỏ công sức để học kiến thức, rèn kỹ năng mà chỉ muốn kiếm lợi nhuận sớm thông qua đầu cơ, trading ngắn hạn cổ phiếu. May mắn thì kiếm lời trong một vài phiên giao dịch, và thực tế là cầm chắc thua lỗ trong thời gian dài.

Nếu muốn thành công trong quản lý tài chính cá nhân, bạn cần có thái độ tích cực hướng đến vấn đề đó. Tuy nhiên, thái độ tích cực phải gắn liền với kiến thức và kỹ năng. Không có kiến thức và kỹ năng thì sẽ chỉ là lạc quan thái quá.

Bạn cần phân biệt giữa thái độ tích cực và lạc quan thái quá.

Khi đầu tư, người có thái độ tích cực sẽ giữ kỳ vọng về việc giá trị tài sản tăng đến một cột mốc nào đó. Sự tích cực của họ được dựa trên nền tảng kiến thức và kỹ năng. Họ có khả năng kiểm soát rủi ro của tài sản.

Người có thái độ lạc quan thái quá sẽ kỳ vọng giá tài sản tăng, tăng mãi mà không quan tâm đến dấu hiệu “bong bóng” tài sản. Thực ra, không phải họ không quan tâm, mà vì họ không có kiến thức và kỹ năng để nhận diện rủi ro sắp xảy ra. Lịch sử đã chứng minh điều này thông qua những vụ “sụp đổ” tài chính xảy ra trên khắp thế giới.

Tóm lại, bạn sẽ có (và nên có) thái độ tích cực khi bạn có nền tảng kiến thức và kỹ năng tài chính đúng đắn. Nếu không, bạn sẽ chỉ có thái độ tiêu cực hoặc lạc quan thái quá mà thôi.

#4 Thói quen – Habits

Trong mô hình ASK không có “thói quen” (chữ H), đây là yếu tố hoàn thiện bởi mô hình KASH.

Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện gồm nếp sống, phương pháp làm việc được lặp đi lại nhiều lần trong cuộc sống. Thói quen không sẵn có mà là kết quả của sinh hoạt, học tập, rèn luyện của mỗi cá nhân hàng ngày.

Có thể chia thói quen thành hai loại: thói quen xấu và thói quen tốt.

Thói quen xấu điển hình mà tôi thấy nhiều người hay gặp trong đầu tư cổ phiếu, nhắc đến không ít người giật mình vì nó quá đúng.

Đó là nhiều nhà đầu tư cá nhân luôn đặt lệnh mua vào khi giá cổ phiếu tăng và bán ra khi giá cổ phiếu giảm theo xu hướng thị trường. Đây là sai lầm điển hình về việc tâm lý bị thị trường dẫn dắt.

Một trong những nguyên nhân điển hình khiến giá cổ phiếu đi xuống là do các quỹ đầu tư bán ra lượng lớn cổ phiếu để “chốt lời”. Nhà đầu tư cá nhân thiếu kiến thức và kỹ năng sẽ bán cổ phiếu theo cảm xúc, theo nỗi sợ của thị trường.

Ngược lại, nhà đầu tư có kiến thức và kỹ năng về định giá cổ phiếu có thể sẽ kiên định nắm giữ. Họ hiểu giá trị thật sự của cổ phiếu, họ biết rằng giá cổ phiếu giảm là xu hướng ngắn hạn và sẽ phục hồi, thậm chí tăng cao hơn trong tương lai.

Bạn thấy đó, thiếu kiến thức và kỹ năng sẽ dẫn đến quyết định sai lầm, và nhiều lần quyết định sai sẽ tạo thành thói quen xấu trong hoạt động tài chính.

Để từ bỏ thói quen xấu rất khó khăn, vì thói quen xấu thường được xây dựng bởi cảm xúc hơn là theo lý trí và suy tính. Nhưng không phải là bất khả thi…

Nếu muốn bỏ thói quen xấu trong quản lý tài chính, điều cần làm là học tập kiến thức và kỹ năng, là nền tảng của tư duy lý trí và quyết định đúng đắn về tiền bạc. Những thứ đúng đắn sẽ dẫn bạn đến thói quen tài chính tốt.

Đọc thêm: 8 thói quen tài chính của người thành công

Làm thế nào để ứng dụng mô hình năng lực vào quản lý tài chính cá nhân?

Năng lực, hoặc mô hình năng lực KASH có thể phát triển, nâng cao và duy trì thông qua việc rèn luyện kiến thức và kỹ năng, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, từ đó hình thành thái độ tích cực và tạo thói quen tốt trong quản lý tài chính.

Cả 4 yếu tố của mô hình năng lực KASH đều cần được phát triển đồng bộ và đúng đắn ngay từ ban đầu.

Bạn nên lập kế hoạch phát triển năng lực tài chính, kế hoạch cần bám sát với mục tiêu tài chính đã đặt ra.

Tham khảo: Cách đặt mục tiêu tài chính cá nhân (quyết định con đường làm giàu của bạn)

Ví dụ, mục tiêu tài chính tôi đặt ra là có 1,2 tỷ sau 10 năm, tức tôi cần tiết kiệm 60 triệu/năm để đầu tư với tỷ suất sinh lời 12%/năm.

Bạn sẽ trả lời câu hỏi: cần phải phát triển những yếu tố, nội dung gì thuộc mô hình năng lực để có được 60 triệu/năm? Để đạt tỷ suất sinh lời 12%/năm?

Tôi sẽ đưa ra nội dung phát triển nhằm đạt mức tỷ suất 12%/năm để các bạn tham khảo:

Yếu tố Nội dung
Kiến thức (K) Chứng khoán
Thị trường, kinh tế vĩ mô
Báo cáo tài chính
Kỹ năng (S) Định giá cổ phiếu
Phân tích kỹ thuật giá cổ phiếu
Phân bổ danh mục đầu tư
Thái độ (A) Rèn tư duy tích cực trong đầu tư
Thói quen (H) Phân tích cổ phiếu trước khi đặt lệnh mua bán, tránh để thị trường dẫn dắt

Tất nhiên, để đào sâu vào phần nội dung thì còn nhiều điều để chúng ta bàn tới. Tôi sẽ chia sẻ đến các bạn qua những bài viết khác.

Tổng kết

Tôi tin rằng sẽ khó tìm được một bài viết dài và tâm huyết về mô hình năng lực ứng dụng trong quản lý tài chính như bài viết này. Hi vọng rằng những nội dung trên sẽ góp phần nào giúp bạn đọc thay đổi tư duy, nhận thức đúng để phát triển những yếu tố trong mô hình năng lực, từng bước đạt mục tiêu tài chính cá nhân đã đặt ra.

5 3 votes
Đánh giá bài viết
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest

5 Comments
cũ nhất
mới nhất được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Nguyễn Thành Giàu
2 năm cách đây

Cảm ơn Admin nhiều ! Bài viết rất hay , cô đọng , dễ hiểu !

Huỳnh Vĩ
Huỳnh Vĩ
2 năm cách đây

Rất cảm ơn ạ !

bibi
bibi
1 năm cách đây

Rất cảm ơn admin

Related Posts

Begin typing your search term above and press enter to search. Press ESC to cancel.

Back To Top
1
0
Would love your thoughts, please comment.x