Vì sao đầu tư giá trị như Warren Buffett không phù hợp với bạn?

Đọc dòng title, hẳn những fan luôn “ra rả” triết lý đầu tư giá trị của Warren Buffett sẽ nhiệt liệt phản đối, họ sẽ viện dẫn chỉ số tăng trưởng kép trên 20% CAGR của Berkshire Hathaway trong thời gian dài – đánh bại Dow Jones và S&P500 Index để chứng minh người viết bài này hoàn toàn sai lầm. Có lẽ tình yêu mà họ dành cho Warren Buffett là quá lớn, lớn đến lỗi họ quên cả việc họ và ông là 2 con người quá khác xa nhau. Còn tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy, bạn và ông khác nhau ở điểm gì!

*Bài viết này nằm trong series bài viết “Quan điểm ngược chiều” của Blog Độc Lập Tài Chính.

Cách thức ghi nhận tỷ suất lợi nhuận của Warren Buffett khác bạn

Tỷ suất lợi nhuận của Buffett – những con số quả thực phi thường khiến cho ai nấy cũng phải choáng ngợp, trong đó có tôi. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu cặn kẽ, cách Buffett ghi nhận lợi nhuận khác hoàn toàn với tất cả những nhà đầu tư khác. Berkshire Hathaway – tập đoàn đầu tư của Buffett ghi nhận lợi nhuận theo phương pháp vốn chủ sở hữu, còn chúng ta lại ghi nhận theo phương pháp giá gốc. Bạn chỉ cần hiểu đơn giản là chúng ta ghi nhận tỷ suất lợi nhuận theo giá thị trường, còn ông thì không.

Thứ mà Berkshire Hathaway ghi nhận vào báo cáo tài chính của mình là sự tăng trưởng giá trị sổ sách ở những doanh nghiệp mà họ đầu tư nắm giữ trên 20% quyền biểu quyết. Chính vì thế, biến động giá cổ phiếu trên thị trường không được ghi nhận vào lợi nhuận của họ.

Chuẩn mực kế toán không cho phép bạn làm điều này nếu bạn nắm giữ dưới 20% quyền biểu quyết của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, Berkshire Hathaway thì có thể bởi Buffett đã chứng minh qua lịch sử rằng ông ưa thích mua doanh nghiệp và nắm giữ vô thời hạn.

dau-tu-gia-tri-warren-buffett-anh02

Đọc đến đây, hẳn bạn cũng đã trả lời được tại sao Buffett lại kiếm lời được cả ở những giai đoạn bear-market rồi đúng không, bởi những doanh nghiệp mà ông mua làm ăn vẫn có lãi giúp Berkshire ghi nhận tăng trưởng giá trị sổ sách, mặc kệ giá cổ phiếu trồi sụt thế nào, thứ mà những nhà đầu tư như chúng ta bắt buộc phải ghi nhận.

Tóm lại, bạn không thể ghi nhận tỷ suất lợi nhuận của mình giống như Buffett, nên để đạt được mức lợi nhuận đánh bại thị trường như ông là điều viển vông đối với chúng ta.

Bạn có đủ sức để mua doanh nghiệp và nắm giữ vô thời hạn?

Bạn có thể đầu tư như Warren Buffett nếu như bạn đáp ứng những yếu tố sau:

(1) Sở hữu một doanh nghiệp có lượng tiền đủ lớn và tiến hành mua trên 20% quyền biểu quyết của một công ty, thứ giúp bạn ghi nhận khoản đầu tư như một người chủ sở hữu thực sự, “say no” với sự sụt giảm giá cổ phiếu trong ngắn hạn và kiên định nắm giữ vô thời hạn.

(2) Có đủ trình độ chuyên môn để hiểu biết về ngành nghề, quản trị doanh nghiệp và bản tính trời sinh đã có khả năng kiên trì, chăm chỉ đến cảnh giới “other guys read Playboy, I read annual reports” như Buffett.

dau-tu-gia-tri-warren-buffett-anh03

Đối với yếu tố (2), tôi hoàn toàn ủng hộ việc các bạn kiên trì, chăm chỉ rèn luyện kiến thức, Buffett làm được thì bạn cũng có thể làm được – cùng là con người mà. Còn nếu chúng ta đào bới sâu hơn vào yếu tố (1), bạn sẽ thấy tập làm Warren Buffett là điều bất khả thi đối với chúng ta.

Không phải ai cũng có tiền rẻ

Tiền rẻ (ease money) là nguồn tiền bạn có thể dễ dàng vay với lãi suất thấp từ hệ thống tài chính, hoặc đơn giản hơn là vay với lãi suất cực thấp từ gia đình hoặc bạn bè. Nếu nguồn tiền rẻ đầu tiên bạn nghĩ tới chính là tiền nhãn rỗi hay tiền tiết kiệm mà không cần đến vay nợ thì xin chúc mừng, bạn rất hợp ý với Warren Buffett. Ông kịch liệt phản đối nợ vay margin và khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng tiền nhàn rỗi để tham gia thị trường chứng khoán. Tiền rẻ giúp bạn sống sót khi thị trường down-trend, không như những tay xài margin nặng nề luôn trong tình trạng thấp thỏm lo sợ cháy tài khoản.

Cái khó là làm sao để có tiền rẻ, trong khi Berkshire của Buffett thì có đầy…

Tập đoàn Berkshire Hathaway của ông sở hữu công ty bảo hiểm GEICO. Tương tự như các công ty bảo hiểm khác, GEICO đã đem đến cho Berkshire lượng tiền mặt dồi dào để đem đi đầu tư, trong khi lãi suất GEICO phải trả cho những người mua bảo hiểm là không đáng kể. Giờ thì bạn biết tiền của Buffett hay Berkshire đến từ đâu rồi đấy!

Bạn có đủ kiên nhẫn để nắm giữ cổ phiếu vô thời hạn không?

Gọi là vô thời hạn nhưng thực ra là nắm giữ trong một khoảng thời gian dài, mà thời gian là thứ vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến kết quả đầu tư.

Ðể hiểu được tầm quan trọng của thời gian, chúng ta cần thống nhất chung về triết lý đầu tư giá trị của Warren Buffett: tìm kiếm doanh nghiệp tốt, cố gắng định giá và tìm kiếm lợi nhuận từ khoảng chênh lệch giữa giá thị trường và giá trị thực của cổ phiếu, được biết đến với khái niệm biên an toàn (margin-of-safety).

Như vậy cơ hội đầu tư giá trị hấp dẫn sẽ xuất hiện khi chúng ta định giá “tương đối chính xác” giá trị thật của một cổ phiếu, mua vào lúc rẻ và chờ đợi giá cổ phiếu tăng, dù cho việc định giá rất tốn thời gian và nó phụ thuộc lớn vào chủ quan của người thực hiện.

dau-tu-gia-tri-warren-buffett-anh04

Thời gian đủ dài là điểm mấu chốt để kiếm được lợi nhuận. Buffett nhìn nhận triển vọng kinh doanh trong tương lai sẽ tích cực và khi chiết khấu về hiện tại trong khoảng thời gian 5-10 năm thì mức giá hiện tại đang là rất rẻ, thậm chí tăng thời gian lên 10-15 năm vẫn tích cực thì cổ phiếu lại càng rẻ hơn nữa. Tuy nhiên, bạn có đủ kiên nhẫn “buy and hold” dài hơi như Buffett hay không khi rủi ro của thị trường chứng khoán và rủi ro đến từ hoạt động kinh doanh là những thứ nằm ngoài khả năng dự đoán và kiểm soát của bạn.

Warren Buffett có thể không kiểm soát được rủi ro của thị trường, nhưng ít ra ông cũng kiểm soát được rủi ro từ hoạt động kinh doanh – đến từ việc Berkshire nắm giữ trên 20% quyền biểu quyết của mỗi thương vụ đầu tư.

Tìm kiếm những cổ phiếu theo phương pháp giá trị tài sản thuần

Trước khi gặp người cộng sự Charlies Munger, Buffett ưa thích phương pháp giá trị tài sản thuần (RNAV), đến độ có hẳn một trường phái đầu tư giá trị kiểu Warren Buffett với cái tên “những mẩu xì gà hút dở” (cigar butt). Ðối với phương pháp này, ông không đi tìm những doanh nghiệp tốt, ông tìm kiếm một công ty thua lỗ (!)

Nghe có vẻ ngược đời nhỉ, nhưng hãy tưởng tượng nếu bạn thấy một công ty đang làm ăn thua lỗ có có lượng tiền và tài sản được đánh giá lại theo giá thị trường là 100 tỷ. Trong khi đó, bạn chỉ phải bỏ ra 50 tỷ tiền mặt để mua toàn bộ cổ phần (là vốn hóa thị trường) và 20 tỷ để trả nợ cho công ty đó. Tổng số tiền bạn bỏ ra để chiếm quyền kiểm soát và giúp công ty hết nợ nần là 70 tỷ, nhưng khi công ty giải thể thì số tiền bạn thu về là 100 tỷ, hoặc nếu công ty kinh doanh hồi phục thì tài sản công ty sẽ tăng trên 100 tỷ, một ván cược hấp dẫn.

Nhưng ván cược này không phù hợp với bạn. Giả sử bạn mua vào cổ phiếu công ty này, và nếu công ty không giải thể, lấy tiền chia cho cổ đông mà tiếp tục đầu tư gây lỗ tiếp thì điều gì sẽ xảy ra? Giá trị tài sản sẽ nhanh chóng bốc hơi xuống dưới 100 tỷ, thậm chí xuống dưới 70 tỷ, nó không còn là một món hời nữa mà trở thành gánh nặng. Thời gian trong tình huống này trở thành kẻ thù của bạn, càng kéo dài thời gian thua lỗ thì rủi ro mất vốn của bạn càng cao.

dau-tu-gia-tri-warren-buffett-anh05

Buffett từng thành công với một số thương vụ cigar butt, đơn giản vì Berkshire của ông chi nhiều tiền để chiếm quyền kiểm soát doanh nghiệp, đưa ra những quyết định mang tính vực dậy hoặc giải thể doanh nghiệp như một chủ sở hữu đích thực. Tuy nhiên về sau, người cộng sự Munger đã kéo ông ra khỏi những thương vụ “xì gà” để đầu tư vào những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt (great business prospects).

Còn bạn, bạn mua được bao nhiêu % cổ phần của công ty? Ban lãnh đạo coi bạn là ai? Với tư cách là cổ đông nhưng lời nói của bạn có trọng lượng không? Bạn quan tâm giá thị trường hay giá trị sổ sách? Nếu lợi nhuận của doanh nghiệp hồi phục nhưng giá cổ phiếu giảm mạnh thì vợ bạn có để cho bạn yên ổn không?

Tất nhiên phương pháp RNAV không phải là vô dụng. Trong một thị trường đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ hồi phục (mới qua suy thoái) thì phương pháp này có thể giúp bạn tìm ra những doanh nghiệp có tài sản đang bị undervalued. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bull-market với xấp xỉ 19x P/E như hiện nay, thị giá cổ phiếu đã được sự kỳ vọng và hứng khởi đẩy lên rất cao so với giá trị tài sản thuần, việc tìm những “mẩu xì gà hút dở” gần như là bất khả thi.

Tổng kết lại, đối với Warren Buffett cổ phiếu tốt là cổ phiếu giúp tăng giá trị sổ sách, còn đối với những nhà đầu tư cá nhân như bạn và tôi, cổ phiếu tốt là cổ phiếu có thị giá tăng, doanh nghiệp có tốt đến mấy mà cổ phiếu không tăng giá, bạn và tôi cũng đói. Cho nên, chúng ta không cố biến mình thành Warren Buffett, vì giữa chúng ta và ông là những con người không giống nhau,

Học được gì từ triết lý đầu tư giá trị của Warren Buffett?

Ừ thì từ đầu đến gần cuối bài viết tôi chỉ toàn phản đối, nhưng tôi không phản đối triết lý đầu tư giá trị của Warren Buffet (nghĩ vậy oan cho tôi quá!). Thứ tôi phản đối là những người không đủ tầm như Buffett, nhưng lại thích áp dụng cứng nhắc phương pháp đầu tư của ông.

Túm cái váy lại, có một số điều mà các nhà đầu tư cá nhân nên học theo Buffett:

  • Sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư, tránh xa nợ vay margin, điều này giúp bạn không bị áp lực tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
  • Đầu tư cổ phiếu dài hạn vẫn là phương án tốt hơn rất nhiều so với đầu cơ/trading ngắn hạn (nhưng không có nghĩa là nắm giữ mãi mãi – Warren Buffett từng công nhận buy and hold chỉ là một trường phái trong đầu tư giá trị mà thôi).
  • Cẩn trọng trong đầu tư: phân tích cơ bản (fundamental analysis) luôn là chân ái, không cần cố gắng định giá chính xác giá trị thực của doanh nghiệp làm gì, quan trọng là đặt ra biên an toàn (margin-of-safety) cho khi mua cổ phiếu.
  • Rèn luyện kỷ luật bản thân phải áp dụng 3 điều trên, chăm chỉ, cần cù đến mức “nhàm chán”.

Chúc bạn đầu tư thành công và đừng cố biến bản thân trở thành Warren Buffett!

Loading



2 Bình luận

Trả lời