- 08/06/2021
- Posted by: doclaptaichinh.net
- CHỨNG KHOÁN CĂN BẢN
Nếu như bạn đã đọc bài viết chứng khoán căn bản và bài viết phân biệt hai khái niệm đầu tư và đầu cơ trên doclaptaichinh.vn, bạn sẽ cảm thấy quen thuộc và có cái nhìn tương đối rõ ràng về khái niệm cổ phiếu là gì. Nhưng chúng tôi không chỉ muốn bạn dừng lại ở mức độ hiểu sơ qua, mà còn muốn bạn hiểu tường tận về đầu tư cổ phiếu là gì. Ngài Warren Buffett có câu nói nổi tiếng: “đừng bao giờ đầu tư vào những thứ mà mình không hiểu”.
Bài viết này sẽ khá dài, nhưng nếu như bạn nghiêm túc với đầu tư chứng khoán thì tôi nghĩ việc đọc hết bài viết này không phải là điều quá khó khăn. Nào, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về nguồn gốc của cổ phiếu!
Nguồn gốc ra đời của cổ phiếu
Tính đến thời điểm chúng tôi phát hành bài viết này, tổng cộng có 724 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và HNX và hơn 900 doanh nghiệp trên sàn UPCOM. Tương lai gần, hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (initial public offering, viêt tắt là “IPO”) khiến cho thị trường chứng khoán ngày càng sôi động. Vậy, bạn đã bao giờ tò mò ai là người phát minh ra cổ phiếu?
Hoa Kỳ (Mỹ), quốc gia có thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới thực tế không phải là xuất phát điểm của cổ phiếu. Vị trí địa lý này thuộc về thành phố cảng du lịch nổi tiếng Amsterdam của đất nước Hà Lan, nơi khai sinh ra công ty cổ phần Đông Ấn Hà Lan Hợp nhất (United Dutch East India Company, ngôn ngữ bản địa là The Vereenigde Oostindische Compagnie, viết tắt là “VOC”).
VOC được hợp nhất bởi 6 công ty thương mại Đông Ấn tại Hà Lan vào năm 1602. Chính phủ Hà Lan tài trợ vốn và trao lợi thế độc quyền phân phối gia vị trong 21 năm cho VOC nhằm tạo đối trọng với quân đội Bồ Đào Nha trong việc buôn bán gia vị tại khu vực Đông Nam Á (thời đó gọi là Đông Ấn) . Vốn điều lệ của VOC mới thành lập khoảng 107 triệu euros ngày nay.
Dirck Bas – một thủy thủ kiêm đại sứ Hà Lan đã góp 6000 guilders (đơn vị tiền của Hà Lan) vào công ty cùng với 16 người khác và đóng vai trò giám đốc điều hành. Trong điều lệ VOC năm 1606, tất cả những người góp vốn sau sẽ nhận được một “aktie”, còn gọi là một chứng nhận quyền sở hữu doanh nghiệp, hứa hẹn một phần lợi nhuận trong tương lai và đó chính là cổ phiếu đầu tiên trong lịch sử thế giới.
VOC nhanh chóng thu hút hàng nghìn cổ đông tại Hà Lan góp vốn, hoàn thiện nguyên tắc về chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông, xây dựng tiền đề thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới tại Amsterdam với sản phẩm đầu tiên được giao dịch là cổ phiếu VOC.
Cổ phiếu là gì?
Tôi biết nhiều bạn sẽ cảm thấy mơ hồ về cổ phiếu – là một thứ gì đó không cầm nắm được, không hiện hữu như bất động sản. Đúng vậy! Vì cổ phiếu là một dạng tài sản tài chính, hay cụ thể hơn là chứng khoán. Cổ phiếu chứng nhận số tiền nhà đầu tư góp vốn, tương đương với số cổ phần mà họ nắm giữ. Người nắm giữ cổ phiếu được gọi là cổ đông của công ty.
Chỉ công ty cổ phần (“CTCP”) mới được phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Vốn điều lệ, hoặc số tiền mà CTCP muốn huy động được chia thành nhiều phần bằng nhau, gọi là cổ phần. Mỗi một cổ phần được thể hiện bằng một cổ phiếu. Bạn nắm giữ càng nhiều cổ phiếu, thì tỷ lệ sở hữu của bạn trong doanh nghiệp càng lớn.
Một thông tin thú vị cho bạn đọc: cổ đông của CTCP chỉ chịu trách nhiệm có giới hạn/hữu hạn (limited liability) đối với phần vốn đã góp vào doanh nghiệp. Giả sử CTCP có phá sản thì tòa án có thể ra phán quyết công ty phải sử dụng toàn bộ tài sản để trả nợ. Như vậy, phần vốn của cổ đông đã góp (sau khi góp vốn, phần vốn đó đương nhiên trở thành tài sản của doanh nghiệp) sẽ mất đi, nhưng sẽ chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Cổ đông không phải sử dụng bất kì tài sản cá nhân khác để trả nợ thay cho công ty. Đây chính là lý do khiến CTCP trở thành phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử kinh tế.
Vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, các nhà tư bản châu Âu và Bắc Mỹ rất e ngại mở rộng quy mô kinh doanh do họ phải chịu trách nhiệm không giới hạn (unlimited liability) cho những khoản nợ của doanh nghiệp. Sẽ chẳng ai mong muốn những khoản nợ của doanh nghiệp trở thành nợ của chính bản thân mình.
Mô hình CTCP ra đời như một hình thức giải phóng nguồn vốn tích tụ của giới tư bản. Không chỉ thuận lợi cho việc thu hút nguồn vốn, mở rộng quy mô kinh doanh, CTCP trở thành tấm màn chắn để bảo vệ cho các cổ đông. Ký kết hợp đồng, vay nợ hay bị kiện tụng thì chủ thể phải đứng ra chịu trách nhiệm là công ty, cùng lắm là nếu công ty có những hành vi sai trái thì người đại diện pháp luật liên đới chịu trách nhiệm. Cổ đông đứng sau tấm màn chắn và được bảo vệ khỏi những rủi ro không mong muốn.
Phân loại cổ phiếu
Xét trên phương diện doanh nghiệp, có 2 loại cổ phiếu doanh nghiệp có thể phát hành gồm: cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi.
Cổ phiếu phổ thông
Các nhà đầu tư cá nhân như chúng ta sẽ tập trung mua bán cổ phiếu phổ thông (common stock) trên thị trường chứng khoán. Phần lớn cổ phiếu được doanh nghiệp phát hành là loại này.
Cổ phiếu phổ thông (“CPPT”) có quyền biểu quyết về những vấn đề được nêu lên tại cuộc họp đại hội cổ đông của CTCP. Không như những hiểu lầm đầy sai lệch của đa số các nhà đầu tư F0 trên thị trường, những người coi cổ phiếu không khác gì những chấm xanh chấm đỏ trên bảng điện tử, thực tế CPPT trao cho những người nắm giữ quyền biểu quyết về số phận của doanh nghiệp như: bầu lãnh đạo cấp cao, thông qua các kế hoạch kinh doanh, các dự án đầu tư thâm dụng vốn, phát hành thêm cổ phiếu, tăng vay nợ.
Ứng với mỗi CPPT là một phiếu biểu quyết, cổ đông càng sở hữu nhiều CPPT thì càng có nhiều quyền biểu quyết. Do đó, cách đơn giản nhất để một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông gia tăng quyền biểu quyết và kiểm soát công ty đó là sở hữu thật nhiều CPPT.
Hiện tượng một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân (thường là người trong gia đình) sở hữu trên 50%, thậm chí trên 65% tổng CPPT của CTCP không phải là hiếm gặp. Nguyên nhân chủ yếu do xuất phát điểm của họ là công ty gia đình (family business), họ có thói quen tập trung quyền lực vào gia đình để dễ bề quản trị công ty. Đứng vào vị trí của một cổ đông nhỏ lẻ, chúng ta không nên đánh giá cao cơ cấu quản trị cô đặc như vậy. Trường hợp nhóm cổ đông giữ phần lớn CPPT có mưu cầu lợi ích đi ngược lại với những cổ đông còn lại, quyền biểu quyết sẽ giúp họ thực hiện những gì họ đặt ra.
Cổ phiếu phổ thông không cam kết cổ tức. Nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, cổ đông sẽ không nhận được cổ tức tương ứng với số CPPT nắm giữ.
Cổ phiếu ưu đãi
Cố phiếu ưu đãi (preferred stock) được chia làm nhiều loại tùy vào ý chí của doanh nghiệp phát hành, có thể kể đến như sau:
- Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: cổ đông có quyền yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả lại số tiền bỏ ra mua cổ phiếu này căn cứ theo thỏa thuận ghi trên cổ phiếu
- Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: cổ đông nhận được một khoản cổ tức cố định (fixed dividend) hàng năm mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh
Vì cổ phiếu ưu đãi đem lại những lợi ích mà CPPT không thể, nên để tạo ra sự “công bằng”, các cổ đông sẽ thống nhất về việc tước đi quyền biểu quyết của cổ phiếu ưu đãi. Cổ phiếu ưu đãi cũng có thể được chuyển đổi thành CPPT nếu được đại hội cổ đông biểu quyết thông qua.
Tóm lại, dạng cổ phiếu này không thông dụng trên thị trường chứng khoán nên ta không cần bận tâm nhiều. Khi nhắc đến giao dịch cổ phiếu, bạn cứ hiểu đơn giản là chúng ta mua bán cổ phiếu phổ thông mà thôi.
Cổ phiếu Blue-chip, Penny và Midcap
Khái niệm cổ phiếu Blue-chip, Penny hoặc Midcap được sử dụng để đề cập đến phương diện quy mô, vốn hóa của doanh nghiệp.
Blue-chip là loại cổ phiếu của công ty có quy mô và giá trị vốn hóa thị trường lớn, ví dụ như các cổ phiếu trong rổ VN-30: VHM, VIC, TPB, HPG,… Các cổ phiếu này có thanh khoản cao, giao dịch sôi động và biến động giá khá lớn. Phần nhiều trong các cổ phiếu này thường là cổ phiếu có tính chu kỳ (cycling stocks). Đầu tư cổ phiếu blue-chip có thể đem lại lợi nhuận cao đáng kể.
Penny là cổ phiếu của công ty có quy mô nhỏ, vốn hóa thị trường thấp, thanh khoản kém. Đầu tư cổ phiếu penny không thực sự hấp dẫn với nhiều người.
Midcap là cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô vừa phải, có vốn hóa ở mức trung bình từ 1 nghìn tỷ đồng đến 10 nghìn tỷ đồng.
Tại sao bạn nên mua cổ phiếu?
Dễ dàng tiếp cận với số vốn nhỏ
Nhiều người mới thường đặt câu hỏi là : “đầu tư cổ phiếu cần bao nhiêu tiền?”
Không như những kênh đầu tư cần nhiều vốn như bất động sản, rủi ro pháp lý cao nếu chọn lựa sai dự án, cổ phiếu rất dễ tiếp cận chỉ với vài triệu đồng. Hơn nữa, nếu mua cổ phiếu là bạn đang gián tiếp góc phần giúp thị trường huy động vốn trở nên sôi động, giúp nguồn tiền nhàn rỗi được đưa vào nền kinh tế thông qua hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khả năng chuyển đổi thành tiền dễ dàng
Khả năng chuyển đổi thành tiền của một tài sản còn được gọi là thanh khoản. Trong các sản phẩm tài chính, tôi đánh giá cổ phiếu đã niêm yết trên sàn có tính thanh khoản cao nhất vì nó được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán – một thị trường hợp pháp được Chính phủ Việt Nam công nhận.
Không như trái phiếu hoặc tiền gửi tiết kiệm ngân hàng phải đến thời điểm đáo hạn bạn mới được nhận lãi, bạn có thể chốt lãi cổ phiếu bằng việc bán nó trên thị trường chứng khoán vào bất cứ khi nào vì sẽ luôn có những nhà đầu tư khác sẵng sàng mua lại cổ phiếu (khớp lệnh giao dịch), cổ phiếu của bạn có thể chuyển thành tiền mặt nhanh chóng.
Mang lại lợi nhuận cao trong dài hạn
Cổ phiếu là một kênh đầu tư sinh lời vô cùng hấp dẫn, có những cổ phiếu có thể đem lại lợi nhuận lên đến 20%/năm. Nếu như bạn đa dạng danh mục cổ phiếu, kiên trì đầu tư cổ phiếu dài hạn và chọn thời điểm mua bán thích hợp thì mức lợi nhuận 12-15%/năm đến từ việc hưởng chênh lệch giá cổ phiếu là hoàn toàn khả thi.
Đương nhiên, kịch bản này sẽ xảy ra nếu bạn lựa chọn được những cổ phiếu đến từ doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn.
Cổ tức và quyền của cổ đông
Khi doanh nghiệp làm ăn có lãi sẽ chia cổ tức, đây là một khoản thu nhập thú vị khác dành cho cổ đông ngoài việc kiếm lời chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra. Như vậy, con số lợi nhuận sau khi tính thêm cổ tức có thể lên đến 20%/năm.
Đọc thêm: Hiểu TẤT TẦN TẬT về CỔ TỨC chỉ trong một bài viết
Thường thì các nhà đầu tư cá nhân không quan tâm nhiều đến quyền biểu quyết của cổ đông – mặc dù đây là những quyền nghiễm nhiên họ có khi nắm giữ cổ phiếu. Dù vậy, tôi nghĩ chúng ta không nên bỏ qua điều này vì một số quyền lợi của cổ đông, trong đó có quyền yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp phải công khai, minh bạch giải trình các con số trên báo cáo tài chính, theo tôi khá hữu ích.
Ở một kịch bản tích cực hơn, giả định bạn có rất nhiều tiền, bạn liên tục mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp và đạt đến một tỷ lệ đủ sức tham gia kiểm soát hoạt động kinh doanh, chiến lược đầu tư, bổ nhiệm người vào ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Kịch bản này thường xảy ra đối với các quỹ đầu tư, tổ chức kinh tế hoặc số ít các cá nhân siêu giàu, trong đó có những người đang là lãnh đạo muốn củng cố quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp.
Giờ bạn đã bắt đầu đặt ra câu hỏi: “đầu tư cổ phiếu là gì và như thế nào” chưa?
Đầu tư cổ phiếu là gì và như thế nào?
Đầu tư cổ phiếu đơn giản là việc bạn mua và nắm giữ cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhằm gia tăng lợi nhuận trong danh mục đầu tư tài chính. Có 2 cách mua cổ phiếu, một là mua trực tiếp từ doanh nghiệp hoặc hai là mua trên thị trường chứng khoán.
Mua trực tiếp từ doanh nghiệp
Doanh nghiệp, cụ thể ở đây là mô hình công ty cổ phần khi muốn huy động thêm vốn để làm ăn sẽ phát hành cổ phiếu. Ví dụ, họ muốn huy động 10 tỷ đồng, mỗi cổ phiếu trị giá 10 nghìn đồng, vậy họ cần phát hành 1 triệu cổ phiếu. Bạn đăng ký mua trực tiếp 500 nghìn cổ phiếu, đồng nghĩa với việc bạn góp 5 tỷ đồng tiền vốn và nhận về chứng nhận sở hữu số lượng cổ phiếu và cổ phần tương ứng.
Hành vi trên thực tế rất quen thuộc nếu như bạn đã xem chương trình Shark Tank Việt Nam. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể thương lượng với nhau để đi đến số tiền tương ứng với mức cổ phần mà họ mong muốn.
Thị trường huy động vốn thông qua mua trực tiếp cổ phiếu từ doanh nghiệp còn được gọi là thị trường sơ cấp (primary market). Sau khi doanh nghiệp thành công và được niêm yết trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư ban đầu sẽ bán lại cổ phần (thoái vốn) cho những nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, các khoản đầu tư này khá rủi ro, nhiều phi vụ thất bại do sự thiếu chắc chắn về các công ty mới, mà theo như nhận định của các quỹ đầu tư mạo hiểm thì “đầu tư 10 vụ nhưng thành công được 2 vụ là tốt lắm rồi”.
Năm 2007, Mekong Capital có khoản đầu tư 3,5 triệu USD vào CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) để đổi lấy 35% cổ phần. Sau 10 năm nắm giữ, số tiền thu về từ việc bán hết cổ phiếu MWG và tính cả cổ tức hàng năm là 199,4 triệu USD, gấp 57 lần so với số tiền đầu tư ban đầu và tỷ suất hoàn vốn nội bộ là 61,1%. Đây là thương vụ đầu tư cổ phần tư nhân thành công nhất trong lịch sử tại Việt Nam.
Tham gia thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán còn được gọi là thị trường thứ cấp (secondary market), nơi các cổ đông mua bán lại cổ phiếu với nhau Các cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán đến từ những doanh nghiệp đã IPO, có công bố báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán và có mô hình quản trị phải đáp ứng quy định của Luật chứng khoán. Điều này sẽ giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.
Các doanh nghiệp niêm yết không thường xuyên mua bán cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán. Chủ yếu họ sẽ mua bán cổ phiếu quỹ hoặc phát hành cổ phiếu mới với tần suất rất hạn chế.
Mang đặc điểm của thị trường thứ cấp, khi mua bán trên thị trường chứng khoán, bạn không cần phải bỏ quá nhiều tiền để sở hữu cổ phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, sàn HOSE và HNX đều yêu cầu số lượng cổ phiếu tối thiểu của một lần mua là 100 cổ phiếu. Như vậy, bạn có thể mua 100 cổ phiếu FPT với giá khoảng 9,5 triệu đồng hoặc 100 cổ phiếu SBT với giá 1,9 triệu đồng. Trong tương lai gần, điều kiện mua tối thiểu sẽ được rút xuống còn 10 cổ phiếu để giúp nhiều nhà đầu tư có thể tiếp cận dễ dàng hơn với kênh chứng khoán.
Dễ mua, dễ khởi đầu với số vốn ít nhưng đó lại là con dao hai lưỡi. Với đa số nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường, sai lầm đầu tiên của họ chính là không hiểu rõ về cổ phiếu – thật đáng buồn khi họ không biết những thứ mình đang giao dịch là cái gì (!).
Những yếu tố khiến giá cổ phiếu tăng giảm
Nhà đầu tư Peter Lynch có một câu châm ngôn: “Đằng sau mỗi cổ phiếu luôn là một doanh nghiệp đang kinh doanh. Và chỉ có 1 lý do khiến cổ phiếu tăng: doanh nghiệp đứng sau làm ăn tốt hơn, hoặc tăng trưởng mạnh từ công ty nhỏ lên quy mô khổng lồ.”
Nếu bạn có tư duy đúng đắn về đầu tư (invesment) thì câu châm ngôn trên luôn luôn đúng, việc của bạn chỉ là tìm kiếm những doanh nghiệp đang làm ăn tốt, có triển vọng tăng trưởng quy mô và mua nó với mức giá an toàn hiện tại.
Dù vậy, phần lớn cá nhân tham gia thị trường với tâm thế đầu tư cổ phiếu ngắn hạn, mà kì thực là đầu cơ (speculation), do đó họ quá để tâm đến những vấn đề biến động hàng ngày trên thị trường, tìm tỏi một thứ gì đó thật sự khó hiểu đang điều khiển giá cổ phiếu. Thực sự thì họ cũng đúng ở một góc độ nào đó, nhưng tư duy kiểu đầu cơ sẽ khiến ta sa đà vào những câu hỏi khó có lời giải.
Câu hỏi phổ biến nhất đến từ việc tư duy sai lệch về đầu tư mà đa phần những người chơi chứng khoán từng đặt, rồi họ nhận về những câu trả lời sai, và rồi họ luôn lặp lại câu hỏi: “Sao cổ phiếu X tăng/giảm mạnh thế nhỉ, tôi không thể hiểu được!”.
Khám phá: Phân biệt giữa khái niệm đầu tư và đầu cơ
Động lực ngắn hạn và dài hạn của thị trường
Động lực ngắn hạn và dài hạn (short-term and long-term drivers) sẽ tác động đến giá cổ phiếu. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể bị tác động bởi vĩ mô, vi mô, tâm lý đám đông, dòng tiền và sự thao túng thì động lực dài hạn của cổ phiếu luôn luôn xoay quanh câu châm ngôn của ngài Peter Lynch ở trên. Một nhà đầu tư thông minh luôn tập trung trí lực vào động lực thứ hai và cố gắng tận dụng động lực thứ nhất sao cho họ được lợi nhất.
Cung cầu của hàng vạn người trên thị trường
Liệu bạn có thể đọc được suy nghĩ của hàng vạn người khác nhau, với hàng nghìn lệnh giao dịch đặt trái ngược nhau trong một ngày?
Như bạn đọc thấy, trong ngắn hạn có quá nhiều tác nhân ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, có cả những thứ định lượng như chỉ số kinh tế vĩ mô nhưng cũng có những thứ mà ta chỉ có thể hình dung mơ hồ vì liên quan đến tâm lý con người. Vì vậy, bất cứ câu trả lời nào về việc giá cổ phiếu tăng giảm cũng chỉ là giả định thay vì là câu trả lời chính xác.
Hi vọng những thông tin trong bài viết này đủ giúp một người chưa biết gì về chứng khoán trả lời được cổ phiếu là gì. Để tiếp bàn luận tường tận về cổ phiếu, có lẽ chúng ta cần nhiều bài viết sau này.
Bài tiếp theo: Cổ tức là gì? Phân biệt cổ tức tiền mặt và cổ tức trả bằng cổ phiếu
Admin không đề cập cổ cổ phiếu thưởng và chia tách cổ phiếu ạ?
Trả cổ tức bằng cổ phiếu còn được gọi là cổ phiếu thưởng đó bạn. Dù rằng tôi thấy chữ “thưởng” không đúng về mặt bản chất, việc trả cổ tức là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cổ đông, đâu có phải là món quà hay phần thưởng.
Chia tách cổ phiếu (stock spilit) là tách 1 cổ phiếu thành nhiều hơn. Ví dụ tách 1 cổ phiếu thành 1,5 cổ phiếu. Như vậy giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm, nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cổ phiếu cũng tương tự như trả cổ tức bằng cổ phiếu thôi bạn. Việc tách cổ phiếu sẽ giúp giảm thị giá, tăng số lượng cổ phiếu lưu hành, nhiều người có thể tiếp cận với cổ phiếu hơn nên sẽ gián tiếp làm tăng thanh khoản. Apple, Bershire Hathaway, Amazon thường chia tách cổ phiếu do cổ phiếu của họ có giá cực cao, lên đến vài trăm đô la mỹ. Họ tách vậy sẽ giúp nhiều người dễ dàng mua cổ phiếu của họ hơn.
Thân!