- 05/04/2021
- Posted by: doclaptaichinh.net
- PHÂN TÍCH CƠ BẢN
Chỉ số ROA – tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản là chỉ số hữu ích khi kết hợp với ROE và ROIC để phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Hãy cùng doclaptaichinh.vn tìm hiểu về chỉ số này nhé!
Chỉ số ROA là gì?
Chỉ số ROA (Return On Asset) hay lợi nhuận trên tổng tài sản là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp để sinh lời.
Công thức tính chỉ số ROA:
Cũng như những chỉ số khác, có 2 cách để tiếp cận đến chỉ số ROA:
Tự tính ROA thông qua báo cáo tài chính
Công thức tính ROA khá đơn giản và dễ hiểu. Bạn có thể tự tính chỉ số ROA từ Báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp.
Ví dụ: Tính chỉ số ROA của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) năm 2020
LNST của BMP năm 2020 là 522 tỷ đồng.
Về tổng tài sản, bạn nên tính bình quân đầu kỳ (1/1/2020) và cuối kỳ (31/12/2020) để phản ánh đúng bản chất thay đổi về tài sản của công ty trong cả một năm:
Tổng tài sản bình quân = (Tổng tài sản đầu kỳ + Tổng tài sản cuối kỳ)/2 = (2.849 + 3.022)/2 = 2935 tỷ đồng.
Vậy chỉ số ROA của BMP năm 2020 = 522/2935 = 17,8%
Sử dụng nguồn dữ liệu tính sẵn
Đây là cách đơn giản nhất và cũng là nhanh nhất, bạn có thể tham khảo trên các website chứng khoán, ở đây tôi lấy trên vietstock.vn
Lưu ý: Trên vietstock.vn sử dụng cách viết là ROAA (Return on Asset Average), thực ra vẫn cùng ý nghĩa và cách tính ROA ở trên mà thôi.
Bạn có thể hiểu đơn giản với 100 đồng tài sản, BMP tạo ra 17,8 đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2020.
Chỉ số ROA của BMP từ 2017-2020 khá ổn định, là dấu hiệu tích cực cho thấy BMP quản lý và sử dụng tài sản để sinh lời ngày càng hiệu quả
Nhưng ROA thế nào là cao? Liệu ROA = 17,8% có thấp hay không?
Phương pháp so sánh tương đối ROA
Để biết ROA bao nhiêu mới là đủ tốt chúng ta cần so sánh tương đối với những yếu tố sau:
- ROA trung bình ngành và các đối thủ cùng ngành
- ROA của doanh nghiệp trong quá khứ
So sánh với ROA trung bình ngành và các đối thủ cùng ngành
Các ngành khác nhau thường có những đặc điểm khác nhau về cơ cấu tài sản.
Doanh nghiệp ngành công nghiệp nặng (thép, xi măng,…) như BCC, HVX, NKG có tổng tài sản lớn vì: tài sản cố định (nhà xưởng, máy móc) lớn, hàng tồn kho lớn do biến động giá nguyên vật liệu theo chu kỳ. Do đó chỉ số ROA sẽ tương đối thấp.
Ngược lại, những công ty công nghệ, bán lẻ hàng tiêu dùng… thường có chỉ số ROA cao.
Do đó, không so sánh ROA của các công ty hoạt động ở các ngành khác nhau.
Đối với ROA của BMP, bạn hãy so sánh với ROA trung bình ngành sản xuất nhựa và các đối thủ cùng ngành. BMP và CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (NTP) là 2 doanh nghiệp dẫn đầu ROA ngành nhựa trên sàn chứng khoán, cụ thể là sản xuất ống nhựa dân dụng.
So sánh với ROA của doanh nghiệp trong quá khứ
Ở đây tôi so sánh chỉ số ROA của BMP từng năm với chính nó trong quá khứ và ROA trung bình 3 năm, 5 năm và 10 năm gần nhất.
ROA của BMP thụt lùi theo thời gian, điều này cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của BMP dần trở nên thiếu hiệu quả. Theo tôi có 3 nguyên nhân chính:
(1) Giá nguyên vật liệu đầu vào (chủ yếu là hạt nhựa) tăng mạnh theo giá dầu và than đá thế giới qua các năm dẫn đến giá trị hàng tồn kho tăng -> tổng tài sản tăng cao.
(2) Cạnh tranh của ngành nhựa ngày càng lớn, BMP phải chịu mất thị phần cho những doanh nghiệp khác khiến khả năng tăng lợi nhuận chậm hơn so với tốc độ tăng của tài sản.
(3) Ngành xây dựng, bất động sản chững lại từ 2018 đến nay khiến hoạt động tiêu thụ ống nhựa của BMP gặp khó khăn.
Kết hợp chỉ số ROA với ROE & ROIC
Nếu như ROIC là chỉ số thay thế cho ROE để phân tích cổ phiếu sử dụng vay nợ cao thì ROA lại là chỉ số bổ sung, làm rõ hơn về bức tranh sinh lời của doanh nghiệp.
Mối liên hệ giữa ROA với ROE
Ôn lại một chút nhé, công thức tính ROE và được bóc tách theo mô hình Dupont như sau:
Chẳng phải ROA = Tỷ suất lợi nhuận ròng x Số vòng quay tổng tài sản hay sao? Như vậy trong công thức tính ROE đã bao gồm chỉ số ROA luôn rồi.
Những nhà đầu tư chỉ nhìn vào ROE sẽ không thấy sự khác biệt giữa BMP và NTP. Tuy nhiên, các chỉ số còn lại khi được bóc tách theo Dupont sẽ nói lên cơ cấu tài chính lành mạnh của BMP: ROA gấp 1,7 lần so với NTP, đòn bẩy tài chính cực thấp, vòng quay tổng tài sản cao.
Nếu như bạn có thời gian để nhìn sâu hơn vào BCTC của BMP thì sẽ thấy: khoản mục tồn kho và phải thu chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu tài sản, nguồn tiền tích lũy dồi dào (989,5 tỷ đồng tiền mặt) – chiếm 34,7% tổng tài sản tính đến cuối năm 2019. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương, chi trả cổ tức tiền mặt ổn định đều đặn qua các năm.
Tóm lại, cơ cấu tài chính của BMP rất lành mạnh. Cái khó của BMP là bài toán tăng trưởng trong những năm tới mà thôi.
Đọc thêm: Chỉ số ROE là gì? Ứng dụng quan trọng trong phân tích hiệu quả sinh lời của doanh nghiệp
Kết hợp chỉ số ROA với ROIC
Như đã đề cập trong bài viết về chỉ số ROIC, đây là công cụ tuyệt vời để phân tích doanh nghiệp nhiều nợ vay. Ngoài ra, bạn nên đồng thời kiểm tra xu hướng ROA qua nhiều năm xem có bền vững hay không.
Ví dụ: CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) – nhà sản xuất và bán lẻ trang sức hàng đầu ngành có nợ vay khá lớn, vì vậy tôi sẽ sử dụng chỉ số ROIC kết hợp ROA.
ROIC của PNJ đã được đề cập trong bài viết về chỉ số ROIC tại đây.
Dưới đây là đồ thị chỉ số ROA của PNJ:
Rất ít cổ phiếu có khả năng tăng ROA ổn định và PNJ cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên nếu xét ở góc độ dài hạn, ROA của PNJ khá tích cực: ROA từ 2016 đến 2019 cao hơn mức trung bình 3 năm, 5 năm và 10 năm. Năm 2020, ROA sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 tuy nhiên vẫn cao hơn mức trung bình 10 năm.
Kết hợp với chỉ số ROIC, tôi đánh giá PNJ là doanh nghiệp có khả năng sinh lợi ở mức cao, cộng với những lợi thế cạnh tranh vô hình sẵn có, lợi nhuận của PNJ về lâu dài sẽ còn tuyệt vời hơn nữa.
Tổng kết về chỉ số ROA
Mỗi chỉ số sinh lợi sẽ tạo nên một phần trong bức tranh toàn cảnh về khả năng sinh lợi doanh nghiệp. Do đó bạn hãy linh hoạt kết hợp ROA với các chỉ số khác như ROE và ROIC để có được bức tranh rõ ràng nhất.